Dịch chuối: Sản phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đức Cơ, Gia Lai đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch chuối của cơ sở Vườn lan Khaly (tổ 1, thị trấn Chư Ty) để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương trong năm 2019.  
Chị Trần Thị Thu Thủy-chủ cơ sở Vườn lan Khaly-cho biết: “Khi cơ quan chức năng của huyện và UBND thị trấn Chư Ty thông báo, tuyên truyền về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cơ sở đã đăng ký sản phẩm dịch chuối. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm về việc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Ngoài sản phẩm dịch chuối, thời gian tới, cơ sở sẽ đầu tư sản xuất thêm các sản phẩm từ quả chuối như: chuối sấy, chuối viên nén, chuối hột dược liệu…”.
 Nhân viên cơ sở Vườn lan Khaly (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) dán nhãn mác cho sản phẩm dịch chuối. Ảnh: L.N
Nhân viên cơ sở Vườn lan Khaly (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) dán nhãn mác cho sản phẩm dịch chuối. Ảnh: L.N
Sản phẩm dịch chuối của cơ sở Vườn lan Khaly được dùng để phun cho nhiều loại cây trồng như: phong lan, địa lan, rau sạch, cây kiểng, hoa hồng... Chị Thủy cho hay: Đây là sản phẩm hữu cơ được chiết xuất 100% từ thân, hoa và quả chuối. Sản phẩm có thể thay thế phân hóa học nhằm cung cấp nhiều vitamin, các hợp chất auxin, cytokinin tự nhiên có trong quả chuối, rất an toàn cho cây ở mọi giai đoạn, giúp cây phát triển mạnh bộ rễ, tăng sức đề kháng. Ngoài ra, sản phẩm còn giúp cải tạo đất, trung hòa độ PH trong đất. Đặc biệt, sản phẩm dịch chuối không độc với con người, không gây ô nhiễm môi trường và rất phù hợp với việc trồng phong lan, rau sạch, các loại hoa trong nhà lồng, nhà lưới hay ở gần khu dân cư.
Năm 2017, cơ sở Vườn lan Khaly đã nghiên cứu chiết xuất ra sản phẩm dịch chuối và đưa vào phun thử nghiệm trên một số vườn lan ở huyện Đức Cơ. Đến năm 2018, cơ sở đã đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ và công nhận nhãn hiệu “Dịch chuối thần dược cho phong lan”. “Hiện mỗi ngày năng lực cơ sở sản xuất khoảng 5.000 lít dịch chuối, cung cấp ra thị trường cả nước hơn 2.000 lít. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện không đủ cung cấp nên chúng tôi đang phải nhập từ các huyện lân cận. Do đó, để có nguồn nguyên liệu ổn định, sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai mô hình liên kết trồng chuối với người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ. Chúng tôi sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân từ thân, hoa và quả chuối với giá 3.000 đồng/kg tươi. Hiện tại, với khả năng sản xuất của mình, chúng tôi có thể liên kết trồng khoảng 200 ha chuối”-chị Thủy chia sẻ.      
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: “Chúng tôi thấy dịch chuối của cơ sở Vườn lan Khaly là sản phẩm hữu cơ đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp sạch. Ngoài ra, việc cơ sở có thể bao tiêu sản phẩm chuối còn là cơ hội để người dân chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất. Chúng tôi đang phối hợp với cơ sở để đánh giá theo đúng quy trình và xem xét công nhận dịch chuối là sản phẩm OCOP của huyện”.
Cũng theo ông Tư, chương trình OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. “Hiện tại, UBND huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tiếp tục đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong giai đoạn 2019-2020, huyện Đức Cơ đặt mục tiêu có 1-2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Riêng năm 2019, với kinh phí 104 triệu đồng, huyện triển khai công tác tập huấn và hỗ trợ đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP”-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ thông tin thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.