Sức bật "tam nông" - Kỳ 2: Bứt phá trong khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên thực tế, Nghị quyết Tam nông đã tạo nên một luồng sinh khí mới trên khắp vùng nông thôn của tỉnh. Nền nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống của người dân được cải thiện từng ngày, diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi. Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết Tam nông ở tỉnh Gia Lai vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn và còn nhiều khó khăn cần vượt qua.
“Cú hích” mạnh mẽ
Với bệ đỡ là các chính sách phát triển Tam nông, tỉnh ta đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Các dự án khuyến công, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được triển khai đồng loạt, tập trung vào những sản phẩm thế mạnh của địa phương như: sản xuất, chế biến tinh bột mì, cà phê, điều; chế biến gỗ; dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, thu gom nông sản... Cùng với đó, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tăng cường hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện đầu tư sản xuất, bao tiêu các mặt hàng nông sản địa phương. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đã có sự phát triển toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng tiểu ngành.
  Người dân xã Chư Mố (huyện Ia Pa) thu hoạch lúa. Ảnh: N.S
Người dân xã Chư Mố (huyện Ia Pa) thu hoạch lúa. Ảnh: N.S
Ia Pa là địa phương có nhiều đổi thay tích cực kể từ khi thực hiện Nghị quyết Tam nông dù xuất phát điểm của địa phương rất thấp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường. Người dân đã mạnh dạn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kết hợp với nhân rộng các mô hình khuyến nông, khoa học công nghệ có hiệu quả để nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho biết: Diện tích gieo trồng hàng năm của huyện đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năng suất cây trồng chính đạt khá. Huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh với quy mô lớn; nhiều trang trại trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực (lúa, mía, mì, thuốc lá…) đang được xây dựng có sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để phát triển ổn định và bền vững. Việc đưa một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất được chú trọng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Xã Chư Mố (huyện Ia Pa) có 625 ha lúa nước trên tổng diện tích sản xuất gần 633 ha. Những năm trước đây, do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu dẫn đến năng suất chỉ đạt khoảng 6 tạ thóc/sào/vụ. Đời sống của người dân theo đó còn nhiều khó khăn. Đơn cử như gia đình bà Kpă HNga (thôn Ơi Briu 2) có 3 sào lúa nước nhưng năm nào địa phương cũng phải cứu đói giáp hạt. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi tham gia tiểu dự án trồng lúa nước của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, 3 sào lúa của gia đình bà đã cho năng suất vượt trội, đạt 5 tấn/2 vụ. Theo bà H'Nga, nguyên nhân năng suất lúa tăng là do gia đình bà được hướng dẫn sử dụng giống mới có khả năng chịu hạn, được hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc. 
Với hình thức canh tác mới, nông dân không còn phải nhọc nhằn “một nắng hai sương” như trước mà hiệu quả kinh tế lại tăng lên. Theo tính toán của bà HNga, trước đây, chi phí giống và thuốc bảo vệ thực vật cho 3 sào lúa mất gần 600.000 đồng/vụ nhưng khi tham gia tiểu dự án thì chỉ còn chưa tới 300.000 đồng, trong khi năng suất tăng rõ rệt. Hiện bà đã nắm vững kỹ thuật canh tác mới, không còn cần cán bộ dự án cầm tay chỉ việc. “Vụ vừa rồi, sau khi thu hoạch xong, tôi bán gần 4 tấn lúa, thu được hơn 15 triệu đồng. Số còn lại cả gia đình ăn trong 1 năm cũng tạm ổn”-bà HNga phấn khởi nói.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-đánh giá: “Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông, diện mạo nông thôn miền núi và vùng sâu, vùng xa có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 38,18%; tổng sản phẩm nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 105,84%. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng được chú trọng nhằm phát huy tối đa những lợi thế của địa phương, đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây nông sản hàng hóa, cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai quyết liệt trong năm 2019 nhằm phát triển 17 sản phẩm tiến tới sản phẩm OCOP. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh phấn đấu có thêm 51 sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế vùng nông thôn phục vụ xây dựng NTM”.
Còn lắm khó khăn cần vượt qua
Những năm gần đây giá cà phê hạ thấp khiến người nông dân gặp khó. Ảnh: Hồng Thi
Những năm gần đây giá cà phê hạ thấp khiến người nông dân gặp khó. Ảnh: Hồng Thi
Đổi thay là thế song Gia Lai vẫn còn là một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn phải đối mặt. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, xuất phát điểm của nông dân, nông thôn Gia Lai quá thấp, trình độ dân trí giữa các vùng trong tỉnh không đồng đều. Địa bàn rộng và phân tán nên việc đầu tư hạ tầng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh cao, khả năng tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của phần lớn bà con còn hạn chế. Một số địa phương chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của chính sách Tam nông và xây dựng NTM.
Mặt khác, những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cao su, hồ tiêu, cà phê, mía… trong giai đoạn 2015-2018 mất giá kéo dài, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhân dân. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Nguồn lao động nông thôn lúc nông nhàn còn thiếu việc làm. Một số chính sách hỗ trợ người nghèo đã tạo nên sự ỷ lại, trông chờ của một bộ phận người dân, thậm chí nhiều hộ không muốn thoát nghèo vì sợ mất đi sự hỗ trợ của Nhà nước…
Điển hình như huyện Phú Thiện, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông, nền nông nghiệp của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao; phong trào xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho rằng, sản phẩm hàng hóa của huyện chưa nhiều, chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương thấp, rủi ro cao. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thiên tai thường xuyên xảy ra. Việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp vì thế chưa cao.
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những đổi thay đáng kể. Ảnh: Hồng Thi
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những đổi thay đáng kể. Ảnh: Hồng Thi
Cũng theo ông Quý, đến nay, đời sống của nông dân trong huyện vẫn còn ở mức thấp so với bình quân chung của tỉnh. Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, giá trị gia tăng thấp, tích lũy để phát triển hạn chế. Ngoài ra, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế nên việc ban hành một số chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí một số quy hoạch còn chồng chéo, có những lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức. Việc tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ; chưa kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Có thể thấy, những vấn đề bất cập nêu trên không chỉ là riêng của huyện Phú Thiện mà gần như là khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, để phấn đấu đạt mục tiêu mà Nghị quyết Tam nông đề ra, rất cần có những giải pháp hữu hiệu và thiết thực.
 N.SANG - H.THI - N.MINH

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.