Đak Đoa: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị địa phương, diện mạo nông thôn ở 16 xã trên địa bàn huyện Đak Đoa, Gia Lai đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Ông Nưn-Trưởng thôn Hnáp (xã Kdang) phấn khởi cho hay: “Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân làng Hnáp nói riêng và xã Kdang nói chung đã được thụ hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Nhờ đó, đời sống của người dân đã thay đổi rõ rệt”. Cũng theo ông Nưn, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân trong làng rất tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động; một số hộ còn hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây nhà sinh hoạt cộng đồng… để chung sức đưa xã Kdang đạt chuẩn NTM.
 Người dân làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: N.D
Người dân làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: N.D
Huyện Đak Đoa phấn đấu đến năm 2020 có 7 xã đạt chuẩn NTM; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện cũng phấn đấu có 3 làng đạt chuẩn NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%.

Theo tổng hợp của UBND huyện Đak Đoa, 10 năm qua, huyện đã tổ chức 40 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM; tổ chức đi học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở các địa phương. Cũng trong 10 năm qua, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện đạt hơn 2.223 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 100 tỷ đồng; ngân sách địa phương 900 triệu đồng; vốn lồng ghép hơn 704,4 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 317,7 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp gần 31 tỷ đồng và người dân đóng góp tiền mặt, ngày công, hiến đất, hiện vật khác quy đổi thành tiền là hơn 1.068 tỷ đồng… Nhờ sự tham gia đóng góp tích cực này, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang từ trung tâm huyện đến các thôn, làng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được xây dựng chuyển giao cho người dân sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 có 3 xã gồm: Nam Yang, Tân Bình và Kdang; giai đoạn 2016-2018 có thêm 2 xã là Glar và Hneng. Hiện không còn xã nào của huyện đạt dưới 5 tiêu chí NTM. 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-khẳng định: “Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, sự thay đổi nhận thức của người dân, cán bộ, công chức và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã là yếu tố quan trọng để chương trình đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn đã khang trang hoàn thiện, đời sống người dân vùng nông thôn khá hơn trước đây rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm”. Dù vậy, theo ông Dũng, quá trình xây dựng NTM ở huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn như: nguồn lực đầu tư cho chương trình còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu; một số xã chưa chủ động cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn; tình trạng rớt tiêu chí sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM vẫn còn…
Thời gian tới, huyện Đak Đoa tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án khác để thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt kết quả cao nhất. Trong đó, huyện ưu tiên thực hiện các tiêu chí có tính thực tế cao để tạo niềm tin và sự đồng thuận của xã hội; khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện những giải pháp phù hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Đặc biệt, trong năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM.
 NGUYỄN DIỆP
----------------------------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH GIA LAI

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.