Chuyển đổi cây trồng gắn với nhu cầu thị trường: "Chìa khóa vàng" của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu, những mô hình này đã mang lại tín hiệu tích cực, sản phẩm tìm được thị trường tiêu thụ, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.



Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Chư Sê là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây hồ tiêu. Thế nhưng, những năm gần đây, cây hồ tiêu bị chết nhiều do dịch bệnh, giá cả lại bấp bênh khiến đời sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình này, nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi sang trồng chanh, bưởi da xanh, chuối tiêu hồng… Bước đầu, các loại cây trồng mới này đã mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập khá.

Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa trái) tham quan vườn rau thủy canh của thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình trong chuyến thăm và làm việc tại thị xã An Khê ngày 7-11-2018. Ảnh: K.N.B
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa trái) tham quan vườn rau thủy canh của thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình trong chuyến thăm và làm việc tại thị xã An Khê ngày 7-11-2018. Ảnh: internet



Ông Đào Tiến Tình (tổ 8, thị trấn Chư Sê) từng sở hữu 20 ha hồ tiêu. Năm 2017, thời điểm cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh và bắt đầu chết liên tục, ông đã quyết định chuyển 15 ha ở xã Al Bá sang trồng chuối tiêu hồng. Trước khi đầu tư trồng chuối, ông đã dành thời gian đi nhiều nơi để học tập kinh nghiệm, tìm kiếm đầu ra. Ông Tình cho biết: Để có những nải chuối ngon, đẹp, đủ điều kiện xuất khẩu đòi hỏi phải chăm sóc rất công phu, tuân thủ nhiều yếu tố từ giống, tưới nước, bón phân, thu hoạch và đóng gói. Nếu chăm sóc và quản lý không tốt, sản phẩm dễ bị đốm, không đẹp và không xuất khẩu được. Hiện 15 ha chuối của gia đình đã thu hoạch được 6 tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Vụ này, dự kiến gia đình ông thu được khoảng 600 tấn, giá bán 10.000 đồng/kg. “Trồng chuối xuất khẩu có kỳ công hơn so với trồng thông thường. Nhưng nhờ đầu tư bài bản, chuối đảm bảo chất lượng nên tôi đã kết nối tìm được thị trường xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiện nay, tôi đã thành lập Công ty TNHH Tiến Phát và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng diện tích trồng chuối thêm 50 ha tại xã Chư Pơng”-ông Tình chia sẻ.

Tương tự, sau nhiều lần thất bại với cây hồ tiêu, ông Nguyễn Văn Lăng (thôn Ia Soi, xã Hbông) quyết định chuyển qua trồng chanh tứ quý trên chính mảnh đất trồng hồ tiêu bị chết của mình. Bước đầu thử nghiệm, ông Lăng chỉ trồng 150 cây chanh lấy giống từ Bình Phước. Sau một thời gian, thấy cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, ông đã trồng thêm 500 cây. Ngoài ra, để tăng thu nhập, ông nhập thêm giống bưởi da xanh từ Bình Phước về trồng xen với chanh. Ông Lăng cho biết: “Hiện tại, vườn của tôi có hơn 2.000 cây chanh, 500 cây bưởi. Chanh được bán tại vườn cho các thương lái với giá 15.000 đồng/kg, bưởi da xanh có giá 35.000-40.000 đồng/kg, tùy vào thời điểm. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn. Sau khi trừ hết chi phí, tôi thu về gần 1 tỷ đồng/năm”.

Ông Hồ Sỹ Thuần-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-cho biết: “Ông Tình và ông Lăng là những hội viên tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng của huyện. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ lấy những mô hình này làm điểm để tổ chức hội thảo cho những hội viên, đặc biệt là các hợp tác xã có điều kiện học tập và áp dụng. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn trồng thêm những loại cây khác như: sầu riêng, bơ, cam, dược liệu... có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường”.

Gắn với thị trường tiêu thụ

Phường An Bình (thị xã An Khê) có 525 ha trồng rau xanh trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 700 ha. Năng suất rau xanh nơi đây đạt bình quân 24 tấn/ha, sản lượng hàng năm hơn 12.000 tấn, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố như: Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế... Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm đầu ra ổn định, cùng với tuyên truyền, tập huấn cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình với 107 thành viên, sản xuất 31 loại rau trên diện tích 27 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp của người dân huyện Chư Sê. Ảnh: N.S
Một gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp của người dân huyện Chư Sê. Ảnh: N.S



Bà Trần Thị Thu-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình-cho biết: Mô hình trồng rau thủy canh cho ra các sản phẩm đảm bảo an toàn nhờ tuân thủ nghiêm quy trình chăm bón và các điều kiện về nguồn nước, nhiệt độ... quanh khu vực canh tác. Bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã xuất từ 4 đến 5 tấn rau củ quả ra thị trường với giá bán cao hơn rau thông thường 10-20%. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng rau để tăng thêm thành viên tham gia; liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị cao hơn.

Tại huyện Chư Pưh, trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt trong những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho người dân trên địa bàn. Thông qua các cuộc hội thảo, người dân đã lựa chọn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện của gia đình, trong đó chú trọng các mô hình có tính chất lấy ngắn nuôi dài như: trồng dâu nuôi tằm, trồng bạc hà, mít, bơ, sầu riêng xen cây cà phê… Qua các cuộc hội thảo, đáng chú ý đã có 3 doanh nghiệp giới thiệu chính sách đầu tư để bà con liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và đến nay đã có 637 hộ đăng ký chuyển đổi cây trồng với diện tích 229,46 ha. Trong đó, trồng dâu nuôi tằm có 37,3 ha/93 hộ, trồng nhãn 118,8 ha/391 hộ, trồng chanh dây 23,76 ha/49 hộ, trồng cam 21 ha/40 hộ, trồng bưởi 10,5 ha/10 hộ…

Thời gian qua, nông dân huyện Kbang cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, quy hoạch và định hướng phát triển của huyện; mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết hợp tác trong sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang đã liên kết với nông dân các xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kông Pla và xã Đông triển khai trồng hơn 50 ha sả Java. Hiện 25 ha sả trồng năm 2018 đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 3-4 tấn/ha/đợt (theo chu kỳ 45 ngày thu hoạch một đợt lá), lợi nhuận đạt trên 74 triệu đồng/ha/14 tháng.

Ông Phan Văn Quyền (làng Stơr, xã Tơ Tung) cho biết: Đầu năm 2019, gia đình ông đã đầu tư trồng 5 sào sả Java. Sau 3 tháng, vườn sả đã cho thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch cách nhau 40-50 ngày, gia đình ông thu được gần 10 triệu đồng. “Trước đây, tôi trồng ớt, mì, mía… nhưng hiệu quả không cao. Do đó, tôi chuyển sang trồng sả Java. Trồng sả rất nhàn, chỉ phải làm cỏ 1 đợt, sau đó sả phát triển át cỏ dại. Cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua ngay”-ông Quyền cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn được huyện quan tâm thực hiện. Nhiều diện tích đất mía được chuyển sang trồng các loại cây khác đã mang lại hiệu quả cao. Huyện tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, khuyến khích nông dân mạnh dạn trồng thêm những loại cây có năng suất, chất lượng cao hơn so với cây truyền thống như mía và mì. Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, an toàn và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường.

 NGỌC SANG-NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.