Bảo hiểm nông nghiệp: Khó nhưng phải làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 4-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Đến ngày 26-6-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện từ ngày 26-6-2019 đến hết ngày 31-12-2020. Điều này cho thấy, Chính phủ đang rất quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp. 
Trong thực tế, bảo hiểm nông nghiệp là việc hết sức cần thiết cho nền nông nghiệp, cho nông dân Việt Nam, cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhưng để “phủ sóng” được loại hình bảo hiểm này trên toàn quốc là chuyện không hề đơn giản.
Ảnh: Internet.
Ảnh: Internet.
Ông Hoàng Quang Phòng-Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-cho biết: Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là niềm hy vọng mạnh mẽ nhất.
Nhưng để biến “niềm hy vọng mạnh mẽ” thành hiện thực, để bên tham gia bảo hiểm là nông dân được hưởng lợi, để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, đồng thời những doanh nghiệp bảo hiểm cũng kinh doanh hiệu quả thì quy trình thực hiện bảo hiểm nông nghiệp phải công khai, minh bạch. Ngoài ra, phải hạn chế tối đa những hệ lụy từ hình thức bảo hiểm này, trong đó, việc xác định rủi ro trong nông nghiệp là vấn đề rất khó nên đã có sự trục lợi bảo hiểm. Để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm nông nghiệp thì trong hợp đồng công ty bảo hiểm và người bảo hiểm phải có định mức kinh tế kỹ thuật của người mua sản phẩm. Nghĩa là hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp phải mang tính luật pháp rõ ràng, có đủ những điều khoản nhằm xử lý các trường hợp rủi ro và hệ lụy, kể cả chuyện trục lợi bảo hiểm.
Khó, nhưng không thể không làm. Những nước phát triển trên thế giới đều có chính sách bảo hiểm nông nghiệp, nhất là những nước có nền nông nghiệp phát triển. Người nông dân ở các nước ấy rất yên tâm khi mua đủ bảo hiểm vì họ sẽ được hưởng những đền bù thỏa đáng nếu gặp rủi ro, nhất là những rủi ro do thiên tai gây ra.
Với một đất nước nông nghiệp có quá nhiều thiên tai hàng năm, mật độ thiên tai ngày càng dày và cường độ ngày càng tăng như ở Việt Nam thì quả thật, những doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hết sức băn khoăn khi tham gia vào lĩnh vực này vì rủi ro cho họ là không hề nhỏ. Nhưng những lợi ích cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân tham gia bảo hiểm còn lớn lao hơn nếu chúng ta có chính sách bảo hiểm nông nghiệp chuyên nghiệp, minh bạch và ngày càng hứa hẹn mang lại lợi ích cho các bên tham gia.
Một khi nông dân đã am hiểu, tin cậy vào bảo hiểm nông nghiệp thì sự tham gia của họ sẽ ngày càng tăng. Quy mô bảo hiểm sẽ lớn nhưng nó có thật sự “mạnh” hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, nổi lên hàng đầu là khả năng quản lý, khả năng vận động người tham gia và khả năng thuyết phục về sự ổn định của bảo hiểm nông nghiệp khiến các bên đều có thể yên tâm. Đó mới là điều cực kỳ khó khăn nhưng bắt buộc phải làm.
Giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, đưa nông dân đến sản xuất hàng hóa trở thành giải pháp quan trọng để Nhà nước thúc đẩy đổi mới cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa… Bấy nhiêu lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp là hết sức rõ ràng, nhưng thực hiện được bảo hiểm nông nghiệp một cách bền vững là không dễ dàng. Nó đòi hỏi phải có luật, có lợi và có lòng. Phải có luật và có lợi thì ai cũng biết, nhưng phải có lòng, nghĩa là phải có tình yêu kèm trách nhiệm thực sự với nông dân thì mới làm tốt được chính sách bảo hiểm nông nghiệp mà không dẫn tới đổ vỡ.
Thực tế vận hành với rất nhiều sai sót, thậm chí tham nhũng của Quỹ Bảo hiểm xã hội trong những năm vừa qua là kinh nghiệm xương máu cho chúng ta khi triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp vào thực tế và duy trì sự bền vững của nó. Sở dĩ nhiều ngân hàng còn “đứng ngoài cuộc” trong hoạt động bảo hiểm nông nghiệp cũng vì sau những năm tháng bị “nợ xấu” hoành hành, họ đã trở nên quá thận trọng. Họ chờ xem và nếu thấy lợi ích rõ ràng và ổn định thì chắc chắn sẽ tham gia theo đúng chức năng ngành của họ.
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.