Trồng nhãn trái vụ: Hướng đi mới ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để khắc phục bất lợi về thời tiết và giá cả, một số hộ dân ở huyện Chư Sê đã mạnh dạn xử lý kỹ thuật cho cây nhãn ra hoa trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đây cũng được xem là một trong những hướng đi mới trước thực trạng cây hồ tiêu, cà phê đang gặp khó.
Chủ động chuyển đổi cây trồng
Gần 20 năm trước, sau một thời gian dài gắn bó với cây hồ tiêu nhưng không “bén duyên”, ông Đào Văn Côi (SN 1940, trú tại thôn Phú Cường, xã Ia Pal) đã quyết định trở về quê nhà Hải Dương mang theo 50 cây giống nhãn lồng Hưng Yên vào trồng thử nghiệm. Trước hiệu quả kinh tế ổn định mà cây nhãn mang lại, ông Côi không ngừng mở rộng diện tích, đạt 4 ha nhãn vào năm 2002.
Ông Đào Văn Côi (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bên vườn nhãn cho quả trái vụ. Ảnh: Hồng Thi
Ông Đào Văn Côi (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bên vườn nhãn cho quả trái vụ. Ảnh: Hồng Thi
Tuy nhiên, với thời tiết Tây Nguyên biến đổi bất thường, vườn nhãn của ông Côi có năm bị mất mùa, mất giá. Điều này khiến ông luôn trăn trở và tìm giải pháp khắc phục. “Nhằm giảm thiệt hại kinh tế, tôi tăng cường chăm sóc cho cây kỹ lưỡng hơn, theo dõi tình hình sâu bệnh để điều trị tận gốc… Năm 2013, trong một lần tham dự hội thảo ở Chư Sê liên quan đến kỹ thuật trồng cây ăn quả, tôi được biết đến phương pháp trồng nhãn trái vụ và áp dụng thành công cho vườn cây của mình. Từ đó đến nay, nhãn trái vụ cho thu hoạch gần như quanh năm với giá cả ổn định”-ông Côi kể lại.
Hiện nay, vì tuổi cao, ông Côi đã chia lại cho con cháu phần lớn diện tích nhãn đã trồng, chỉ giữ lại khoảng 70 cây trong vườn để tiện chăm sóc. Trong đó, có 30 cây mới trồng, chuẩn bị cho quả và 40 cây đang trong giai đoạn kinh doanh; tất cả đều được ông xử lý cho ra hoa trái vụ theo phương thức gối đầu nhau. Ngoài ra, ông Côi cũng trồng thêm 300 cây nhãn xen với mía tím trên diện tích 7 sào. Để chủ động đầu ra, ông đã ký hợp đồng với 4 tiểu thương ở TP. Pleiku thu mua nhãn (từ tháng 7 Âm lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau) với giá 30.000 đồng/kg tại vườn. Bình quân mỗi năm, 40 cây nhãn đang trong giai đoạn kinh doanh cho sản lượng khoảng 6 tấn quả (cao hơn chính vụ 1 tấn quả), sau khi trừ chi phí, đem về thu nhập cho gia đình ông Côi 150 triệu đồng.
Ông Côi chia sẻ: “Muốn để nhãn ra quả trái vụ thì chính vụ nên để cây phát triển tự nhiên, chỉ tập trung chăm sóc lúc trước 5-6 tháng so với thời điểm dự tính cho thu quả, dùng thuốc kích thích và bón phân cho cây hợp lý; đồng thời sau khi thu hoạch phải tỉa tán, cành gọn gàng để nhãn bật lộc tốt sẽ ra hoa, đậu quả sai hơn”.
Ông Nguyễn Xuân Tảo (làng Greo Sek, xã Dun) cũng là một trong những hộ chọn cây nhãn để trồng xen trong vườn hồ tiêu đang chết dần của gia đình. Loại giống ông chọn là nhãn Hương Chi và nhãn siêu ngọt với 300 cây trên diện tích 6 sào. “Hiện 200 cây nhãn trong vườn đã bắt đầu cho thu bói sau 3 năm xuống giống và đều được tôi tác động kỹ thuật để cho quả trái vụ, tránh mùa mưa và rơi vào các dịp Tết Đoan ngọ, rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây nhãn sẽ cho thu nhập trên 2 triệu đồng. Ở thời điểm hiện tại, so với hồ tiêu và cà phê, cây nhãn đòi hỏi công chăm sóc, lượng phân bón khá ít nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn nhiều”-ông Tảo lạc quan bày tỏ.
Triển khai chuỗi liên kết trồng nhãn 
Trước thực trạng các cây trồng chủ lực trên địa bàn đang dần mất vị thế vốn có, huyện Chư Sê đã không ngừng tìm kiếm giải pháp để đồng hành với người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 10 ha nhãn, tập trung ở các xã: Ia Pal, Hbông, Dun; trong đó đa phần là nhãn trái vụ. Nhận thấy hiệu quả khả quan mà cây nhãn mang lại, huyện đã phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân (có trụ sở tại huyện Ia Pa) để chuẩn bị xúc tiến triển khai chuỗi liên kết trồng nhãn cho người dân, ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Ngoài hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật trong suốt quá trình trồng, HTX sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Hiện nay, gia đình ông Đào Văn Côi đã trồng thêm 300 cây nhãn xen với mía tím trên diện tích 7 sào. Ảnh: Hồng Thi
Hiện nay, gia đình ông Đào Văn Côi đã trồng thêm 300 cây nhãn xen với mía tím trên diện tích 7 sào. Ảnh: Hồng Thi
Trao đổi với P.V, ông Ngô Trọng Phượng-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân-cho biết: Sau khi trồng thành công 500 ha nhãn ở tỉnh Đak Lak và xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định, HTX đã quyết định mở rộng thêm ít nhất 120 ha tại một số huyện như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah và Ia Grai. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các huyện, HTX đã gặp gỡ, đối thoại, giới thiệu với người dân về mô hình; chọn hộ để triển khai thực hiện chuỗi liên kết trồng nhãn giữa bà con nông dân và HTX trong năm 2019. Riêng tại huyện Chư Sê, chúng tôi sẽ liên kết cùng 120 hộ dân với tổng diện tích 30 ha (tối thiểu 3 sào/hộ); bình quân mỗi héc ta sẽ trồng 500 cây nhãn và cho sản lượng 20 tấn. Hiện đã có khoảng 80 hộ dân đăng ký tham gia mô hình, dự kiến trong tháng 7 sẽ cấp giống để bà con tiến hành trồng.
Cũng theo ông Phượng, giống nhãn mà HTX lựa chọn thực hiện dự án là Hương Chi. Hiện nay, giá nhãn trên thị trường dao động trong khoảng 25.000-32.000 đồng/kg. Đặc biệt, nếu can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật để nhãn cho quả trái vụ thì giá trị kinh tế thu về sẽ cao hơn. “Để đồng hành cùng người dân, HTX sẽ hỗ trợ một phần cây giống; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; 100% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong năm đầu tiên; đồng thời cam kết bao tiêu 100% sản phẩm theo giá thị trường, trong đó mặc định luôn mức giá tối thiểu là 15.000 đồng/kg. Hợp tác xã đang xuất bán 50% số nhãn thương phẩm tại nội địa, 50% còn lại ủy thác xuất khẩu tại thị trường Malaysia, Australia và Hàn Quốc. Trong tương lai gần, HTX sẽ tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng tôi định hướng để người dân trồng nhãn sạch theo hướng hữu cơ”-ông Phượng thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, xã Dun là địa phương có số lượng người dân đăng ký tham gia mô hình đông nhất với 70 hộ. Ông Võ Văn Quá-Chủ tịch UBND xã Dun-chia sẻ: “Người dân trong xã ai cũng phấn khởi, tin tưởng khi có sự đồng hành của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Hiện tại, chúng tôi đã thành lập các tổ hợp tác và đang làm đất để chuẩn bị trồng nhãn”.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.