Bất ổn số phận cây mít Thái và điệp khúc trồng-chặt theo thời giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hết trồng - chặt rồi lại chặt - trồng vì chạy theo thời giá, bài học này không mới nhưng vẫn đang tiếp tục xảy ra với cây mít Thái. Những năm gần đây, diện tích cây mít Thái gia tăng ồ ạt, trong khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, làm dấy lên lo ngại cung vượt cầu.
Luẩn quẩn chặt - trồng
Tại các tỉnh phía Nam, cây mít được trồng từ rất lâu, hầu như tỉnh nào cũng có, với các giống truyền thống như mít nghệ, mít tố nữ... và lớn được trồng xen trong các vườn cây ăn quả, chỉ một số ít diện tích được trồng thuần.
Tuy nhiên, từ khi giống mít Thái được du nhập, phong trào trồng mít trở thành cơn sốt vì giá bán cao mà thời gian kiến thiết cơ bản lại ngắn. Sau khi trồng từ 12 - 15 tháng, cây đã bắt đầu cho quả. Nếu chăm sóc tốt, năng suất trung bình trong thời gian kinh doanh từ 20 - 25 tấn/ha/năm.
Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng Trọt- trái) cho rằng việc phát triển nóng thời gian qua dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cây mít. Ảnh: Trần Đáng 

Tính riêng tại Tiền Giang, tổng diện tích mít Thái trồng mới từ năm 2017 đến nay hơn 2.000ha. Nếu năm 2017 chỉ 164ha thì năm 2018 tăng thêm 1.172ha; từ đầu năm 2019 đến nay là 669ha.


Loại cây này có thể trồng với mật độ rất dày, cây cách cây khoảng 3 - 3,5m. Như vậy, 1ha có thể trồng hơn 1.000 cây. Chỉ cần mỗi cây cho 10 trái/năm thì mỗi năm thu được khoảng 50kg/cây trở lên; bình quân 1ha cho trái khoảng 50 tấn. Với giá trung bình 25.000 đồng/kg, nông dân có thể thu được hơn 1 tỷ đồng.
Diện tích trồng mít tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian trước vốn bị thu hẹp do nông dân chặt bỏ khi giá mít xuống thấp. Nhưng gần đây, giá mít tăng cao khiến nhu cầu trồng bật tăng trở lại.
Tại huyện Châu Đức, nông dân Đào Thị Hậu cho hay nhà bà có hơn 100 gốc mít đã bước vào năm thứ 7. Nhiều gốc đã bước vào giai đoạn thoái hóa nhưng bà vẫn tiếp tục giữ lại để thu hoạch. Bà Hậu cho biết, nếu như trước đây các thương lái chỉ đến những vườn chuyên canh mít, hoặc các vườn trồng xen canh với diện tích lớn thì nay, các hộ trồng 50 - 100 gốc cũng được thương lái tìm đến tận nơi gom mua.
Vụ trồng đầu năm 2019, giống mít Thái cũng được nông dân ở Bình Phước trồng khá phổ biến, nhà ít thì vài chục cây, nhiều có thể lên tới vài chục ha. Có hộ cưa bỏ cả vườn cao su, điều để trồng mít. Một số hộ trồng cả trên diện tích lúa; cá biệt, có hộ trồng trên vùng đồi cao, đất dốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tổng diện tích mít Thái toàn tỉnh khoảng 660ha và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Vùng có diện tích trồng mít tăng nhanh nhất phải kể đến các tỉnh ĐBSCL. Còn nhớ thời điểm năm 2016 – 2017, ở Vĩnh Long, bà con từng ồ ạt phá bỏ lúa, đưa cây cam sành xuống ruộng với tốc độ cực nhanh bởi cam sành liên tục được giá cao, mỗi ha cam giúp nông dân thu lời bạc tỷ. Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có hơn 9.000ha cam sành, tương đương diện tích quy hoạch đến năm 2020. Việc tự phát trồng cam không chỉ làm sản lượng tăng ồ ạt, thừa hàng dội chợ, cam rớt giá mà còn phá vỡ luôn quy hoạch đất sản xuất của địa phương.
Đến nay, tính sơ bộ tại Vĩnh Long, nông dân huyện Bình Tân đã lại trồng mới cây mít thái hơn 60ha; huyện Trà Ôn gần 40ha; thị xã Bình Minh hơn 30ha… Ngoài chuyển đổi trên diện tích vườn kém hiệu quả, nhiều hộ còn thuê đất ruộng để trồng mít.
Vẫn ồ ạt trồng
Diện tích trồng mới cây mít tăng rất nhanh ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Trần Đáng 
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2018 diện tích mít cả nước gần 26.200ha. Diện tích trồng mới trong 2 năm 2017 - 2018 là 5.790ha. Nếu năm 2017 diện tích trồng mới khoảng 1.654ha thì sang năm 2018 là 4.134ha; gấp 2,5 lần năm trước.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, thực tế giá mít Thái những ngày qua đang trồi sụt khá mạnh. Thị trường tiêu thụ mít Thái chủ yếu vẫn là Trung Quốc, vốn có hạn và chứa đựng nhiều bất trắc. Việc phát triển nóng thời gian qua dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cây mít. Trước mắt, có thể cây trồng này mang lại lợi nhuận cao, nhưng nếu không có giải pháp can thiệp, rất dễ gặp thất bại.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước vẫn luôn khuyến cáo người dân không nên chặt cây điều để trồng cao su khi giá cao su lên cao; rồi lại không nên chặt cao su để trồng tiêu khi giá cao su xuống thấp... Nhưng trên thực tế khuyến cáo cũng chỉ dừng lại ở khuyến cáo. Nông dân vẫn là chủ thể sản xuất, việc chặt bỏ cây này, trồng cây kia không ngoài mục đích cố gắng tìm một sản phẩm có thể mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn cho mình.
Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho rằng ngành nông nghiệp vẫn cần phải khuyến cáo nông dân không được mở rộng diện tích cây ăn trái để tập trung đầu tư hạ tầng và kỹ thuật, gắn kết với thị trường tiêu thụ; điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh cũng như lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh.
Ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Nguyễn Hồng Phúc - một hộ trồng mít Thái - cho rằng những khuyến cáo về chuyện cung vượt cầu vẫn rất cần thiết, bởi trồng cây nào cũng phải đối diện những rủi ro thị trường. “Việc đưa ra giải pháp giúp nông dân tăng giá trị kinh tế trên một diện tích trồng trọt sẽ thuyết phục họ hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt - trồng không hợp lý như thời gian qua” - ông Phúc bày tỏ.
Nguyên Vỹ (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.