140 đặc sản đất Đăk Lăk sẽ lên đời nhờ OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với mục tiêu thực hiện thành công nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2018-2020 hướng đến năm 2030 của tỉnh Đăk Lăk tập trung hướng đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Phát triển nội sinh và gia tăng giá trị
Đăk Lăk có vùng nông thôn với 152 xã, diện tích chiếm 97,6% diện tích toàn tỉnh, với gần 309.000 hộ, 1.335.000 khẩu, chiếm 79,3% tổng số hộ, 77,2% số khẩu toàn tỉnh. Theo kết quả điều tra, khảo sát của ngành chức năng, tỉnh hiện có 140 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm thảo dược; nhóm vải và may mặc; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Trong đó, có 11 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng (nhóm thực phẩm có 6 sản phẩm; nhóm đồ uống: 4 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch có 1 sản phẩm); 4 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, Đề án OCOP Đăk Lăk giai đoạn 2018-2020 hướng đến năm 2030 đã tập trung vào mục tiêu: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao tại Đăk Lăk.  (Ảnh: Duy Hậu)
Đề án này cũng hướng đến việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và giữ gìn phát triển xã hội khu vực nông thôn Việt Nam bền vững.
Hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm thế mạnh
Ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đăk Lăk cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, theo đề án OCOP Đăk Lăk sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP, bao gồm: Hoàn thiện tổ chức bộ máy OCOP từ tỉnh đến huyện, xã; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP, hoàn thiện chu trình OCOP thường niên; xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện theo chương trình thường niên; triển khai hệ thống xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP Đăk Lăk. 

Đề án OCOP của tỉnh Đăk Lăk có tổng nguồn vốn hơn 101 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế... Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần.


Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; nâng cao kỹ năng phân phối, xúc tiến và quảng bá sản phẩm.
Ông Đông cho hay, tỉnh sẽ lựa chọn, hoàn thiện, phấn đấu, nâng cấp 27 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương và tiêu chuẩn hóa; công nhận/chứng nhận 1-2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10-12 sản phẩm 3-4 sao cấp tỉnh; phấn đấu xây dựng 1-2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Đề án cũng tập trung phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với xây dựng 2 chuỗi giá trị; lựa chọn và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP hiện có của các địa phương tham gia OCOP; xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, bên cạnh việc đánh giá hiệu quả, duy trì 27 sản phẩm của giai đoạn 1, tỉnh Đăk Lăk sẽ phát triển thêm 57 sản phẩm mới tăng dần theo các năm và tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi; phát triển mới từ 30-40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; phát triển 3-5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Tại Quyết định số 1040 về việc phê duyệt đề án OCOP của tỉnh, UBND tỉnh Đăk Lăk xác định, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và định hướng thông tin là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện đề án OCOP. Theo đó, các đơn vị thực hiện cần triển khai quán triệt sâu sắc đến cấp ủy cơ sở, đến Ban phát triển thôn buôn, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã về Đề án OCOP; xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện để thực hiện đề án; thực hiện tuyên truyền thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể để thực hiện đề án thường xuyên và liên tục.

Để thực hiện tốt đề án OCOP của tỉnh, một số nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng là việc hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã; thực hiện hệ thống hỗ trợ đề án OCOP: Hệ thống tư vấn hỗ trợ; hệ thống đối tác OCOP; hệ thống sản xuất.

Quá trình thực hiện, các đơn vị vận dụng chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách hỗ trợ vùng sản xuất tập trung; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm mới; chính sách đào tạo nhân lực; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và các chính sách liên quan khác.

Trong đó ưu tiên các công việc và dự án như: Xây dựng bộ công cụ quản lý OCOP; nhiệm vụ quản lý chất lượng sản phẩm theo phân ngành/nhóm sản phẩm; dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý OCOP; dự án đào tạo nghề; dự án phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP; nhóm dự án/phương án triển khai trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; nhóm dự án khai thác thế mạnh ngành nghề nông thôn gắn với du lịch...

D.H

Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.