Mang Yang: Đầu tư kiên cố hóa hạ tầng thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Mang Yang đã đầu tư xây dựng và kiên cố hóa hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn các xã để phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp ổn định.
Cánh đồng lúa nước làng Đê Gơl (xã Đak Djrăng) rộng hơn 20 ha. Đây là nơi sản xuất của nhiều hộ dân làng Đê Gơl và các làng: Brếp, Đêr Tur, Hrák (xã Đak Djrăng). Do hệ thống kênh mương chưa được đầu tư kiên cố nên trước đây, cánh đồng này thường bị thiếu nước vào cuối vụ Đông Xuân. Để giúp người dân sản xuất ổn định, năm 2016, huyện Mang Yang đã đầu tư hơn 745 triệu đồng kiên cố hóa 413 m kênh mương phục vụ nước tưới cho trên 20 ha lúa nước, hoa màu và cà phê xung quanh khu vực cánh đồng này. Ông A Rênh-Trưởng thôn Đê Gơl-cho biết: “Từ khi hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng kiên cố dẫn nước suối về tưới cho cánh đồng, bà con rất phấn khởi và yên tâm sản xuất lúa nước, trồng cây công nghiệp. Gia đình tôi có hơn 2 sào cà phê cũng thụ hưởng nguồn nước từ hệ thống kênh mương này”.
    Hệ thống kênh mương ở cánh đồng làng Đê Gơl (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) được kiên cố hóa. Ảnh: N.D
Hệ thống kênh mương ở cánh đồng làng Đê Gơl (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) được kiên cố hóa. Ảnh: N.D
Ông Nguyễn Mạnh Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng-cho hay: Mỗi năm, người dân trong xã sản xuất khoảng 100 ha lúa nước 2 vụ. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng một số đập dâng nhỏ, kiên cố hóa kênh mương từng bước đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện nay, các công trình đều phát huy hiệu quả tưới giúp người dân sản xuất ổn định. Xã cũng đã thành lập Ban Quản lý thủy nông để thực hiện tốt việc điều tiết, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới hợp lý. Bên cạnh đó, xã chủ động kiểm tra, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa hệ thống đập và kênh mương. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Quản lý thủy nông của xã và các làng đã tổ chức nạo vét được 6,8 km kênh mương để nâng cao khả năng tưới cho các loại cây trồng. 
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, trên địa bàn huyện hiện có 20 công trình thủy lợi, gồm: 3 hồ chứa lớn, 16 đập dâng và 1 trạm bơm cùng 95 km kênh mương phục vụ nước tưới cho khoảng 1.018 ha cây trồng các loại. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai quản lý 2 hồ chứa lớn Hà Ra Nam, Hà Ra Bắc cùng 4 đập dâng Đa Ha, Đak Trang, Đak Pơ Yầu và Ayun Thượng; các công trình còn lại do địa phương quản lý. Trong giai đoạn 2015-2018, từ các nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư xây mới và kiên cố hóa, duy tu, sửa chữa, nâng cấp 8 công trình thủy lợi với tổng số vốn hơn 8,3 tỷ đồng. Nhờ đó, các công trình thủy lợi đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. 
Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Đầu tư phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, do các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện còn phân tán, quy mô nhỏ nên công tác quản lý, bảo vệ gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, một số công trình xây dựng từ lâu nhưng không được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp, hạn chế về năng lực tưới. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện rất mong được các cấp bổ sung kinh phí để tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh mương, duy tu, sửa chữa và xây mới các công trình thủy lợi để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.