Gia Lai phấn đấu có 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 23-1-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Liên quan đến việc thực hiện đề án này, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử có cuộc phỏng vấn ông Y Nguyên-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT).
* P.V: Ông có thể cho biết về mục tiêu của chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh GIa Lai trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030?
- Ông Y Nguyên: OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được xem là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
  Ông Y Nguyên.   Ảnh: L.N
Ông Y Nguyên. Ảnh: L.N
Nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân cũng như thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển, hoàn thiện 104 sản phẩm, dịch vụ lợi thế của các địa phương thành sản phẩm OCOP. Trong đó, giai đoạn 2018-2020 có 34 sản phẩm (trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố hàng năm có ít nhất 1-2 sản phẩm, dịch vụ và lựa chọn ít nhất 10-20 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh); giai đoạn 2021-2030 có 70 sản phẩm (trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố hàng năm có ít nhất 3-5 sản phẩm, dịch vụ và lựa chọn ít nhất 20-30 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh). Riêng năm 2019, tỉnh phấn đấu có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
* P.V: Tỉnh ta xác định những nhóm ngành hàng nào để phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP, thưa ông?
- Ông Y Nguyên: Qua kết quả khảo sát từ 17 huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh hiện có 47 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Các sản phẩm, dịch vụ này thuộc 6 nhóm: nhóm thực phẩm nông sản tươi sống (rau, quả tươi…), thực phẩm thô và sơ chế (giò chả, thịt hun khói, gạo, thịt tươi, thủy sản tươi nuôi và đánh bắt tự nhiên...), thực phẩm tiện lợi; nhóm đồ uống có cồn (rượu ngâm ủ, rượu chưng cất, rượu vang...) và đồ uống không cồn (nước trái cây, trà thảo dược, bột quả, bột gừng, trà, trà thảo dược, sản phẩm lên men...); nhóm thảo dược (thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, mỹ phẩm từ thảo dược, chế phẩm xua đuổi, diệt trừ côn trùng); nhóm vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông sợi); nhóm lưu niệm-nội thất-trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm, sứ, dệt may...); nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu)...
* P.V: Vậy, tỉnh đã triển khai những giải pháp nào để chương trình OCOP đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?
- Ông Y Nguyên: Ngày 23-1-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý chương trình OCOP các cấp và sự hiểu biết của cộng đồng về chương trình này. Xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã. Thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm, ban hành bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm của tỉnh. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP bắt buộc phải được đánh giá, phân hạng tại 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia). Trong đó, các sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao ở cấp huyện sẽ được đánh giá ở cấp tỉnh; các sản phẩm đạt 4-5 sao ở cấp tỉnh sẽ được đánh giá ở cấp quốc gia. Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm tại các cấp sẽ do Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tương ứng (huyện, tỉnh và quốc gia) thực hiện. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP về tín dụng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực... Vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội thảo và mời chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực OCOP về truyền đạt những kiến thức liên quan đến chương trình OCOP và chiến lược phát triển sản phẩm, tư vấn xây dựng mô hình điểm tại địa phương.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP dự kiến là hơn 395,5 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hơn 149,4 tỷ đồng, vốn từ cộng đồng hơn 246 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2018-2020, vốn đầu tư hơn 107,4 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 288,1 tỷ đồng.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 LÊ NAM (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.