Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ở Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Prông, Gia Lai đang triển khai dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Dự án nhằm giúp người dân sản xuất theo hướng tập trung và tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Từ liên kết sản xuất cà phê
Ia Phìn là một trong những xã tiên phong của huyện thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cây cà phê. Ông Ngô Anh Tuấn-cán bộ nông nghiệp xã-cho biết: Toàn xã gần 1.700 ha cà phê. Trước đây, đa phần các hộ dân đều sản xuất theo phương thức truyền thống nên hiệu quả chưa cao. Tháng 8-2018, được hỗ trợ kinh phí, UBND xã phối hợp cùng ngành chức năng của huyện và Hợp tác xã Thảo Nguyên triển khai dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thu hút 50 hộ dân tham gia, diện tích cà phê là 25 ha. Theo đó, UBND xã làm chủ đầu tư còn Hợp tác xã Thảo Nguyên chủ trì thực hiện dự án. Đến nay, ngoài cấp phân bón cho các hộ dân, Hợp tác xã Thảo Nguyên đã tổ chức được 3 lớp tập huấn sản xuất cà phê theo hướng bền vững, bước đầu giúp các hộ giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân vi sinh, sinh học, hữu cơ và các loại thuốc sinh học để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê của gia đình, ông Nguyễn Văn Đảo (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn) cho hay, từ khi tham gia dự án, ông biết thêm nhiều kinh nghiệm hay để áp dụng vào chăm sóc vườn cây. “Nhà tôi có 5 ha cà phê. Tuy tham gia dự án chỉ có 0,5 ha nhưng những kinh nghiệm học được từ các buổi tập huấn, tôi đều áp dụng vào chăm sóc trên tất cả diện tích. Cuối năm 2018, sau khi thu hoạch, diện tích cà phê của gia đình cho năng suất cao hơn, riêng 0,5 ha tham gia dự án cho thu 2 tấn nhân, cao hơn 0,5 tấn so với trước”-ông Đảo cho hay.
  Trong 19 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở huyện Chư Prông có 14 dự án được triển khai trên cây cà phê.                         Ảnh: H.T
Trong 19 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở huyện Chư Prông có 14 dự án được triển khai trên cây cà phê. Ảnh: H.T
Nói về kết quả bước đầu thực hiện dự án, ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thảo Nguyên-cho biết: “Dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Tuy nhiên, một số hộ vẫn còn e dè, chưa thật sự tin vào hiệu quả dự án nên gây khó khăn cho việc thu mua cà phê của Hợp tác xã. Chúng tôi sẽ đánh giá cụ thể về năng suất, sản lượng và giá thu mua trong vụ thu hoạch tới để thông báo cho bà con yên tâm”.
Đến cùng đầu tư nâng cao giá trị hạt lúa
Tại xã Ia Piơr, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cây lúa và cây điều bước đầu cũng đã cho hiệu quả tích cực. Anh Rơ Mah Tung (làng Me) cho biết, gia đình anh có 3 sào lúa và 5 sào điều tham gia dự án. Sau khi tham gia các lớp tập huấn do xã phối hợp với đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Hợp tác xã Công-Nông nghiệp và Dịch vụ Hưng Phát tổ chức, anh đã áp dụng các kinh nghiệm vào sản xuất và thấy hiệu quả rõ rệt. “Đối với cây điều, trước đây cứ trồng xong là tôi phó mặc cho trời, không bón phân nên cây còi cọc. Sau khi được hỗ trợ phân bón và tập huấn kỹ thuật, tôi mới chú ý đến việc bón phân cho cây điều. Hiện vườn điều phát triển tốt. Riêng đối với 3 sào lúa, ngày trước, tôi trồng giống Tám Thơm và Khang Dân, năng suất chỉ đạt 6-7 tạ/sào. Sau khi được Hợp tác xã Công-Nông nghiệp và Dịch vụ Hưng Phát cấp giống Đại Thơm và hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã gieo sạ đúng số lượng lúa giống, bón phân đúng thời kỳ. Nhờ đó, năng suất lúa đạt trên 8,5 tạ/sào”-anh Tung cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu-Giám đốc Hợp tác xã Công-Nông nghiệp và Dịch vụ Hưng Phát: Dự án được triển khai từ năm 2018 trên cây điều và cây lúa với tổng diện tích 26 ha (24 ha điều, 2 ha lúa). Sau khi được hỗ trợ phân bón và tập huấn kỹ thuật, các hộ dân đã áp dụng vào chăm sóc cây trồng. Qua theo dõi, diện tích điều được bón phân hợp lý nên phát triển tốt; riêng cây lúa đã cho thu hoạch, năng suất đạt 8,5 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn/ha so với trước. 
Hình thành nhiều chuỗi liên kết
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020 được huyện Chư Prông triển khai nhằm xây dựng mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong năm 2018, huyện đã tổ chức chọn đơn vị làm chủ đầu tư và các đơn vị có năng lực chủ trì thực hiện dự án gồm doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ dân; đồng thời, phân bổ gần 2,6 tỷ đồng thực hiện các dự án. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ 50% phân bón, số còn lại là tự đối ứng.
Cũng theo ông Luyến, đến thời điểm này, huyện đã xây dựng được 19 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 14 dự án liên kết sản xuất trên cây cà phê, 1 dự án liên kết chăn nuôi và 4 dự án liên kết sản xuất trên cây điều, lúa, mía. Bước đầu, việc triển khai các dự án đã hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp người dân giải quyết việc làm, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, tìm được đầu ra cho sản phẩm. “Trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ năm 2019 là 1,626 tỷ đồng, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc các xã thực hiện tốt dự án, đặc biệt là đánh giá kết quả tham gia của từng hộ. Đồng thời, huyện ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm giúp các hộ sản xuất hiệu quả, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm để tăng thu nhập, thoát nghèo”-ông Luyến thông tin thêm. 
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.