Chư Pah: Người dân gặp khó vì giá bời lời giảm sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bời lời từng là loại cây xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chư Pah (Gia Lai). Thế nhưng, hiện nay, không ít hộ đã bắt đầu chặt hạ bời lời để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Ia Khươl là xã có đến 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân chủ yếu gắn bó với cây bời lời đỏ từ nhiều năm nay. Hiện xã này có diện tích cây bời lời đỏ lên đến 355 ha. Được biết, cây bời lời dễ trồng và phù hợp với vùng đồi, lại không tốn nhiều công chăm sóc nên không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nơi đây. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, giá bời lời liên tục giảm sâu, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Những năm trước, 1 ha bời lời được bán với giá hơn 100 triệu đồng, còn hiện tại các thương lái thu mua cây tại vườn với giá chỉ 20 triệu đồng/ha. 
Anh Rơ Châm Sen (làng Pook, xã Ia Khươl) cho hay, gia đình anh có 2 ha bời lời 6 năm tuổi đang rao bán với giá 20 triệu đồng/ha nhưng vẫn chưa có người mua. “Với mức giá đó, nếu trừ tiền thuê công chặt và gọt vỏ thì coi như không còn thu được bao nhiêu. Nhưng chuyển đổi sang trồng cây khác thì tôi cũng lo sợ giá cả bấp bênh. Thôi thì vẫn cố giữ vườn bời lời chờ giá tăng lên, coi như là của để dành. Để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình, tôi phải tìm việc khác để làm”-anh Sen nói.
 Năm 2018, giá bời lời khô 15.000-20.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá đã giảm đến một nửa, chỉ còn 7.000-8.500 đồng/kg. Ảnh: V.T
Năm 2018, giá bời lời khô 15.000-20.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá đã giảm đến một nửa, chỉ còn 7.000-8.500 đồng/kg. Ảnh: V.T
Trong khi đó, hộ ông Rơ Châm Phét (làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl) lại có cách tính toán khác. Ông Phét cho biết, vừa qua, ông đã chặt hết diện tích bời lời rồi bán tháo. Trên diện tích này ông đã đào hố và chuẩn bị trồng cà phê vào đầu tháng 6 tới. Còn hộ ông Ksor Hmyam (cùng làng) thì chuyển đổi sang trồng cây ăn quả với mong muốn có nguồn thu mới, giá cả đỡ bấp bênh hơn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thắm-cán bộ nông nghiệp xã Ia Khươl, hiện chưa có thống kê chính thức về diện tích bời lời bị phá bỏ để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, nhiều hộ dân có vốn đã bắt đầu chuyển đổi toàn bộ diện tích bời lời sang trồng cà phê và trồng xen cây ăn quả. Cũng có hộ thì chuyển đổi một phần diện tích ở những vùng thuận lợi về nguồn nước, còn những vùng cằn cỗi vẫn giữ lại bời lời chờ giá lên rồi mới khai thác.
Không chỉ riêng người trồng bời lời mà những hộ gắn bó với nghề thu mua, sơ chế cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 4, thị trấn Phú Hòa) cho hay, hơn chục năm làm nghề thu mua bời lời về gọt phơi khô bán, chưa bao giờ chị chứng kiến giá giảm sâu như hiện tại. “Sau khi gọt vỏ, chặt thân phơi khô, tôi bán lại được 8.500 đồng/kg. Với mức giá này, những người thu mua như tôi không còn lời lãi bao nhiêu, có khi còn bị các thương lái ép giá bởi nhu cầu thu mua bời lời đang giảm mạnh. Trước còn bán được cả thân, lá, cành, nhưng nay người ta chỉ thu mua vỏ là chính”-chị Hồng chia sẻ.
Ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-cho biết: “Toàn huyện có gần 2.700 ha bời lời trồng rải rác ở các xã. Những vùng như Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Khươl, Ia Phí trồng thuần cây bời lời. Ở thời điểm giá bời lời lên cao, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí giàu lên nhờ loại cây trồng này. Khoảng 2 năm trở lại đây, bời lời xuống giá, không ít hộ trong vùng đã tự chuyển đổi diện tích sang trồng các loại cây khác như cà phê, cây ăn quả”. 
Cũng theo ông Tuấn, bời lời là cây trồng không cần nhiều vốn, không tốn nhiều công chăm sóc vì chịu hạn tốt, không kén đất trồng, lại có khả năng tái sinh cao nên rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Cây bời lời thường được các thương lái thu mua với số lượng lớn để bán phục vụ cho việc sản xuất bột nhang của một số cơ sở và doanh nghiệp trên địa bàn. Những năm trước, nhiều người dân ở Chư Pah đổ xô trồng bời lời nên đã đẩy diện tích tăng lên nhanh chóng. Khoảng 2 năm trở lại đây, do bời lời xuống giá cộng với nhu cầu thu mua giảm, nhiều hộ có diện tích bời lời trong vùng tưới thuận lợi đã tự chuyển đổi diện tích sang trồng các loại cây khác như cà phê, cây ăn trái... Hiện nay, đối với những hộ trồng thuần có nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào bời lời, khi loại cây này không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc giữ hay chặt bỏ vườn cây đang là bài toán khó.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.