Nông dân Phú Thiện lao đao vì khoai lang rớt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào chính vụ thu hoạch, giá khoai lang tím Nhật Bản ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) càng mất giá nhưng vẫn không có thương lái đến mua. Nông dân trồng khoai lang nơi đây đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, có người trắng tay.

Khoai lang đang rớt giá thảm hại. Ảnh: K.N.B
Khoai lang đang rớt giá thảm hại. Ảnh: K.N.B

Vụ khoai lang năm nay, gia đình ông Bùi Văn Làn-Trưởng thôn Chí Linh (xã Chư A Thai) trồng gần 3 ha. Ông Làn cho biết: “Giá khoai lang tím Nhật Bản thu hoạch đợt đầu vào những ngày trước và sau Tết cứ tụt dần từ 6.000-7.000 đồng/kg (loại củ to) xuống còn 2.500-3.000 đồng/kg. Khoảng 15 ngày nay, khi vào chính vụ thu hoạch thì không thấy thương lái đến mua số lượng lớn. Người trồng khoai phải tự tìm đầu ra, bán đổ bán tháo sản phẩm, bằng không khoai sẽ nảy mầm, hỏng”.

Về nguyên nhân khoai lang tím Nhật Bản rớt giá thảm hại nhưng vẫn không có người mua, nhiều nông dân ở Phú Thiện cho hay, vào thời điểm này, các địa phương như Đak Nông, Đak Lak, Lâm Đồng cũng đang thu rộ loại khoai này. Khoai lang tím Nhật Bản của họ trồng trên đất đỏ nên chất lượng cao hơn so với khoai trồng ở Phú Thiện. Bên cạnh đó, diện tích khoai lang tím Nhật Bản trồng ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng rất lớn. Việc cạnh tranh nhau tiêu thụ dẫn đến giá thành giảm. Ngoài ra còn có thông tin, khoai lang không xuất khẩu được sang Trung Quốc, chỉ tiêu thụ trong nước, gây khủng hoảng thừa.

Mọi năm, đến kỳ thu hoạch khoai lang tím Nhật Bản, thương lái từ Hải Phòng, Hà Nội… mang xe tải đến các đại lý tận thôn, làng thu mua. Những doanh nghiệp mua “khoai non” còn cho người đến thăm, giữ ruộng khoai đã mua. Năm nay thì hoàn toàn ngược lại, chẳng thấy họ đâu. Doanh nghiệp bỏ luôn khoản tiền ứng trước cho nông dân vì với giá khoai hiện thời (2.500-3.000 đồng/kg), họ chưa đủ trả tiền công thu hoạch.

Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết, diện tích trồng khoai lang tím Nhật Bản toàn huyện vụ này lên đến 677 ha (chủ yếu ở 2 xã Chư A Thai và xã Ia Sol), trong khi vụ trước chỉ 175 ha. Diện tích trồng tăng đột biến như vậy là do người dân thấy vụ khoai trước lãi lớn. Cũng theo ông Thành, đây là diện tích cây vụ 3 trồng sau vụ lúa. Vì vậy, dù giá cả thế nào thì đến thời vụ, nông dân cũng buộc phải làm đất để gieo sạ lúa. Đầu ra sản phẩm nhỏ giọt nên hẳn sẽ có nhiều diện tích khoai phải phá bỏ làm thức ăn gia súc, gia cầm hay làm phân xanh cho đất.

Được biết, chi phí đầu tư cho mỗi héc ta khoai lang tím Nhật Bản không dưới 50 triệu đồng. Nếu thuê đất, chi phí sẽ lên đến 70-80 triệu đồng/ha. Với giá bán 3.000 đồng/kg khoai to như hiện nay, người dân cũng chỉ đủ trả tiền công thu hoạch. Vì thế, nhiều gia đình đang ra sức thu hoạch, tự tìm nơi tiêu thụ sản phẩm để bớt thua lỗ.

Anh Bùi Khắc Dũng (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) ngán ngẩm nói về đầu ra của 3 ha khoai lang đã quá thời vụ thu hoạch của gia đình mình: “Bỏ thì thương, vương thì tội. Suốt ngày, tôi và đứa con trai ra sức thu hoạch, vợ ngồi chợ bán, con gái lên mạng mời chào bạn bè, người thân mua. Năng động, tận tâm tận lực đến vậy mà chỉ bán được hơn phân nửa, diện tích còn lại chưa thu hoạch bắt đầu mọc mầm, bị hỏng chắc phải cày bỏ để kịp trồng lúa”.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.