Gia Lai: Nỗi lo trong cơn lốc "vàng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm trước, hồ tiêu được ví như "vàng đen" vì đem lại lợi nhuận rất lớn. Thấy lợi trước mắt, nông dân các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai đã ồ ạt xuống giống. Việc bùng nổ diện tích đã dẫn đến hệ lụy cung vượt cầu.
Thêm vào đó dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở trong hồ tiêu còn lớn đã kéo giá hồ tiêu trong nước tụt giảm. Ngoài ra hàng ngàn ha hồ tiêu mắc phải nhiều loại dịch bệnh không có khả năng cứu vãn. Tất cả những điều này như một cơn lốc khiến đời sống của hàng ngàn người dân lâm vào cảnh khốn cùng.
Nông dân bỏ dở…
Huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, nơi được mệnh danh là thủ phủ thứ 3 của hồ tiêu sau huyện Chư Sê và Chư Pưh. Theo ghi nhận của chúng tôi, mới vào đầu mùa khô nhưng hàng trăm vườn tiêu nơi đây đang nằm trong tình trạng trơ trụi, héo úa. Những hình ảnh này không còn là điều xa lạ với người dân địa phương. Điều khiến họ ngỡ ngàng hơn là giá cả hồ tiêu rớt đến mức chạm đáy, chỉ còn 43.000 đồng/kg.
Thời điểm này dù đã bước vào đợt thu chính, nhưng sự ngao ngán và chán nản vẫn hiện hữu trong từng ánh mắt người dân. Nhiều chủ vườn buồn, không thu hái vì giá tiêu xuống quá thấp. Bà Lê Thị Thúy (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết, gia đình bà có 800 trụ tiêu. Năm ngoái gia đình bà thu về 4 tạ, tuy nhiên năm nay mất mùa, gia đình bà chỉ thu hơn 3 tạ.
 
Những vườn tiêu chỉ còn trơ trụ.
“Năm ngoái giá tiêu ở mức 60.000 đồng/kg, sau khi bán hết, trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi chẳng lời đồng nào. Thế mà năm nay giá tiêu chỉ còn 43.000 đồng/kg chỉ tính tiền công cán, đầu tư đã thấy lỗ chứ nói gì thuê người thu hái. Vậy là tôi cứ túc tắc, mỗi ngày ra vườn nhặt nhạnh một ít. Bỏ thì thương vương thì tội”, bà Thúy ngậm ngùi.
Trước đây huyện Chư Sê cũng từng là thủ phủ hồ tiêu Gia Lai với những vườn tiêu xanh ngắt, trù phú. Những người dân địa phương từng ví hồ tiêu với vàng đen để chỉ lợi nhuận quá lớn từ nó. Hàng ngàn hộ dân đổi đời nhờ tiêu. Người người đổ xô trồng tiêu, nhà nhà bàn chuyện trồng tiêu. Ấy vậy mà hiện nay những “mỏ vàng” ấy đã biến thành “nghĩa địa” vì những căn bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần cả vườn tiêu tiền tỷ bỗng rụng lá, héo rũ. Những nghĩa địa tiêu xơ xác hoang tàn cũng dần dần xuất hiện.
Các tỷ phú tiêu một thời ở biệt phủ, đi xe hơi nay tha hương cầu thực nơi đất khách. Một phần còn lại họ vẫn muốn lập nghiệp trên quê hương nên tiếp tục chung sống với hồ tiêu. Nhưng lại một lần nữa, giá tiêu sụt giảm chạm đáy khiến đời sống của người dân lao vào bế tắc, ngập trong đống nợ.
Với hơn 3000 trụ tiêu, năm nay gia đình chú Phạm Văn Hưng (trú tại thôn Hố Lao, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) chỉ còn hơn 1000 trụ có thể cho thu hoạch còn lại chết trắng. Tưởng rằng sẽ vớt vát được chút ít để trang trải một phần chi phí nhưng năng suất vụ mùa vừa qua cũng giảm hơn một nửa khiến cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn.
 Anh tâm sự “Vợ chồng tôi vay mượn anh em rồi vay thêm ngân hàng đầu tư tiền tỷ vào 3000 trụ tiêu. Vậy mà bỗng dưng tiêu chết hơn 2000 trụ. Còn nước còn tát, hai vợ chồng tôi lao vào chăm bón 1000 trụ còn lại mong thu hồi được số vốn bỏ ra cũng như trả nợ. Vậy mà đến nay giá tiêu giảm sâu như vậy, vợ chồng tôi chẳng biết xoay xở đâu ra 400-500 triệu để trả nợ ngân hàng.”
Khốn khổ vì tiêu
Qua đi cái thời hoàng kim, những tỷ phú hồ tiêu cách đây không lâu nay lại thành những con nợ khó đòi. Hầu hết tài sản người dân mang đi cầm cố, thậm chí không còn khả năng trả lãi nên “mặc kệ”, giao tài sản cho ngân hàng. Nhiều người dân bỗng chốc thành con nợ thì đành đóng cửa nhà rồi trốn đi biệt tăm chẳng dám về nhà ăn Tết.
Anh Nguyễn Văn Gia (trú thị trấn Chư sê, huyện Chư Sê) cho biết, thấy nhiều hộ gia đình trồng tiêu thu lợi nhuận cao, năm 2014 anh cũng vay mượn ngân hàng 500 triệu để đầu tư, xuống giống hơn 1500. Sau 4 năm chăm sóc, số vốn đầu tư vào vườn tiêu đã lên đấn 600 triệu. Thế nhưng gia đình anh mới chỉ hái được một mùa, thu hồi vốn được 100 triệu thì vườn tiêu thi nhau chết.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại vùng trồng tiêu xã Ia Blứ, xã Ia Le (huyện Chư Pứh) với diện tích hồ tiêu chết do nắng hạn, dịch bệnh đến 80%. Theo những người dân nơi đây cho biết, do tiêu chết, nợ nần nhiều không có tiền trả ngân hàng nên bà con lâm cảnh bần cùng, kéo nhau đi làm ăn xa xứ rất nhiều, vườn tược trông rất hoang tàn xơ xác, cây tiêu chỉ còn trơ trụ.
Ông Lê Văn Túc, Trưởng thôn Phú Bình (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) buồn rầu nói: “Toàn thôn có trên 300ha tiêu thì đã chết gần 90%, số còn lại sống lay lắt. Cả thôn chỉ có khoảng 10 hộ không vay ngân hàng, chỉ tính 187 hộ đã vay đến hơn 85 tỷ đồng. Giờ có nhiều căn nhà cao to 2 - 3 tầng khang trang, trông đẹp như vậy nhưng thật ra là nhà cắm ngân hàng hết rồi, nhiều hộ không có khả năng trả lãi nữa. Đời sống bà con giờ rất khó khăn, nhiều hộ con bỏ học, cha mẹ bỏ nhà xa xứ làm ăn. Riêng nhà tôi trồng 4ha bị chết gần hết, vẫn còn nợ ngân hàng 500 triệu”.
Ở huyện Ia Grai tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Là hộ gia đình thua lỗ nặng vì trồng tiêu, ông Đào Văn Duyến (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) cho biết: “Trước đây, gia đình có vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư mua giống, phân bón trồng tiêu. Hơn 1000 trụ tiêu vĩnh linh đến tháng 12 năm nay là có thể cho thu hoạch, cứ ngỡ sẽ có tiền trả nợ ai ngờ đâu sau mấy tháng mùa mưa mất hết cả. Không những “trắng tay”, ôm nợ vì tiêu mà những ngày này hai vợ chồng còn phải tất bật dọn dẹp, thu gom từng thân, rễ tiêu khô để đốt bỏ…”.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, tình hình chung hiện nay là người dân trồng tiêu vay vốn ngân hàng nhưng rất khó có khả năng trả nợ. Để tháo gỡ vướng mắc cho bà con thì cần phải có giải pháp khoanh nợ, dãn nợ cho dân. Mà để các ngân hàng thực hiện khoanh nợ thì địa phương phải công bố thiên tai trên diện rộng mới được. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Riêng huyện Chư Pứh, người dân vay vốn trồng tiêu hơn 1.400 tỷ đồng. Thực tế, sau khi hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá thấp nên nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Nhật Đăng (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.