Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Việc áp dụng cơ giới hóa đã giúp tiết kiệm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Cánh đồng lúa nước xã Chư Jôr (huyện Chư Pah, Gia Lai) những ngày này rộn ràng tiếng máy cày làm đất để xuống giống vụ Đông Xuân. Đang điều khiển chiếc máy cày tay, anh Phạm Phú Quốc (thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) cho biết: “Gia đình tôi trồng lúa nước trên cánh đồng này đã nhiều năm. Trước đây, bà con chủ yếu dùng trâu, bò để cày ruộng nên mất nhiều thời gian và công lao động, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Vài năm trở lại đây, khi đưa các loại máy máy móc nông nghiệp vào đồng ruộng, người dân giảm được phần nào chi phí sản xuất”. Cũng theo anh Quốc, với chiếc máy cày tay, mỗi ngày, anh cùng một người nữa có thể làm đất, xuống giống được hơn 3 sào lúa với mức giá khoảng 350 ngàn đồng/sào. Việc áp dụng cơ giới hóa đã tiết kiệm công lao động rất nhiều. Vì vậy, phần lớn các hộ có diện tích đất 3-5 sào trở lên đều chủ động mua máy móc về phục vụ sản xuất của gia đình.
  Bộ Công thương hỗ trợ máy cày tay cho 10 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.D
Bộ Công thương hỗ trợ máy cày tay cho 10 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.D
Tại các địa phương có diện tích lúa nước lớn như Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, nhiều năm qua, người dân đã chủ động đưa cơ giới vào sản xuất, góp phần giảm nhiều chi phí thủ công, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: “Từ nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, vận chuyển trên 2 loại cây trồng chủ lực của huyện là lúa và mía. Việc này đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, tổng số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng trên 226.600 chiếc. Trong đó, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp là 225.815 chiếc; máy phục vụ sản xuất lâm nghiệp 631 chiếc; máy phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản 232 chiếc… Mức độ cơ giới hóa bình quân trên các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, bắp, mì ở khâu làm đất đạt khoảng 85%; gieo trồng khoảng 10%; chăm sóc 26,3%; tưới chủ động 27,1%; thu hoạch khoảng 26,3%; bảo quản 6%. Còn với cây lâu năm, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất đạt 82%; chăm sóc khoảng 66,5%; tưới chủ động 65,2%; thu hoạch khoảng 8,3%; sơ chế, sấy 20%; tỷ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi đạt khoảng 62%...
Quá trình thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay một phần do các hộ nông dân hoặc doanh nghiệp tự đầu tư mua sắm theo nhu cầu. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho vay mua máy móc, thiết bị đầu tư dây chuyền sản xuất theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và vốn lồng ghép các chương trình, dự án của tỉnh… cũng đã góp phần thúc đẩy người dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước đây. Dù vậy, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn và bất cập như: tỷ lệ cơ giới hóa vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn. Một số khâu tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp như: gieo sạ, chăm sóc, chế biến tươi, sơ chế, bảo quản. Bên cạnh đó, đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; các doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác còn thiếu tiềm lực đầu tư máy móc cũng ảnh hưởng đến việc áp dụng cơ giới hóa. Để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới cần có các dự án cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư nhằm áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước…
 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.