Ayun Pa: Nhiều khó khăn trong trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) chỉ mới trồng rừng được trên 46,6% diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã được kê khai. Hiện quá trình kê khai, thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng ở thị xã Ayun Pa gặp rất nhiều khó khăn.
Kết quả khiêm tốn
Từ năm 2017 đến nay, thị xã Ayun Pa đã nỗ lực thực hiện kế hoạch kê khai, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Đến nay đã có 164 hộ dân kê khai 199,261 ha đất rừng bị lấn chiếm (trong đó năm 2017 có 16 hộ kê khai 30 ha, năm 2018 có 148 hộ kê khai 169,261 ha).
Tính đến cuối tháng 9-2018, thị xã đã trồng rừng được 92,883 ha, đạt 46,6% (trong đó, năm 2017 trồng được 26,21 ha; năm 2018 trồng được 66,673 ha). Theo ông Tống Hoài Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm thị xã-cho hay: Chính quyền hỗ trợ cây giống keo lai và bạch đàn cho người dân trồng rừng. Cán bộ Hạt Kiểm lâm thị xã đến từng nhà hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, qua kiểm tra, cây rừng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 95,3%.
  Cấp cây giống cho người dân trồng rừng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm.        Ảnh: Đức Phương
Cấp cây giống cho người dân trồng rừng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm. Ảnh: Đức Phương
Tất cả 4 xã trên địa bàn đều có diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và thực hiện việc kê khai, thu hồi và trồng lại rừng. Năm 2017, chỉ có duy nhất xã Ia Rbol thực hiện việc kê khai và trồng rừng được 26,21/30 ha; năm 2018, đến cuối tháng 9 mới chỉ có xã Ia Rtô là hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng với 25 hộ kê khai và trồng đạt 100% diện tích (24,112 ha). Các xã còn lại gồm: Ia Rbol, Ia Sao, Chư Băh tỷ lệ rừng trồng đạt thấp, dưới 50% diện tích kê khai.
Ngoài ra, trong 2 năm qua, Phòng Kinh tế thị xã chủ trì phối hợp với UBND các xã trồng cây phân tán được 100.000 cây bạch đàn và keo lai, tương đương 100 ha.
Nhiều khó khăn
Bà Nguyễn Thị Vân-Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-cho hay: Năm 2018, xã có 63 hộ kê khai 64 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng. Khó khăn lớn nhất là hầu hết đất rừng đều do người dân các xã, huyện khác đến xâm canh. Bên cạnh đó, địa phương gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân đến nhận cây giống về trồng rừng. Hiện xã đã mời đến 4 lần mà chỉ có 3 hộ đến nhận cây giống về trồng được tổng cộng 3,09 ha; còn lại 60,91 ha vẫn chưa trồng. “Chúng tôi cố gắng tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu là chỉ kê khai để Nhà nước nắm diện tích rồi giao lại đất đó và hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng. Vậy nhưng nhiều người vẫn e ngại, né tránh”-bà Vân nói.
Cùng nỗi băn khoăn đó, ông Rcom Tam-Chủ tịch UBND xã Chư Băh-cho biết, diện tích đất rừng bị lấn chiếm trên địa bàn xã manh mún và nằm ở các triền núi dốc nên việc kê khai, đo đếm gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, “kinh phí phục vụ việc kê khai, đo đếm không có, mỗi lần cử cán bộ đi làm việc xã phải ứng cho mỗi người 50.000 đồng để đổ xăng và mua mì tôm, nhưng vẫn chưa biết phải thanh toán vào đâu.  Ngoài ra, theo chủ trương, 1 ha rừng trồng được hỗ trợ 7 triệu đồng, nhưng hiện nay tỉnh mới cấp được 2 triệu đồng/ha để mua cây giống, còn lại 5 triệu đồng chưa có nên nhiều người dân thắc mắc”-ông Rcom Tam bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều người dân không xác định được vị trí lô đất nằm trong hay ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp; nhiều diện tích người dân tự nguyện đăng ký trồng rừng nhưng sau khi đo đạc, kiểm đếm thì xác định diện tích đó lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, gây lãng phí thời gian và công sức của Ban Chỉ đạo các xã.
Mới đây, làm việc tại thị xã Ayun Pa, ông Nay Vân-Phó Trưởng đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển trồng cây phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng của tỉnh-khẳng định: Khó khăn chung về kinh phí thì Trung ương và tỉnh đang tìm cách tháo gỡ. Nhưng việc thị xã Ayun Pa đạt thấp trong kế hoạch tỉnh giao về kê khai đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng thì địa phương cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chỉ những diện tích trồng rừng trong quy hoạch thì mới được hỗ trợ kinh phí, còn những diện tích nằm ngoài thì không được hỗ trợ.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.