Krông Pa: Nguy cơ thiếu nước tưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, hồ thủy lợi Ia Hdreh (huyện Krông Pa) đã xuống gần tới mực nước chết. Điều này khiến hàng trăm héc ta lúa vụ mùa ở xã Ia Rmok được hưởng lợi từ hồ thủy lợi Ia Hdreh đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới.
Gia đình chị Ksor H'Trúc (tổ dân phố 5, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) được mẹ chồng cho mượn 3 sào đất tại cánh đồng xã Ia Rmok để trồng lúa. Thời điểm này năm ngoái, ruộng lúa của gia đình chị vẫn đủ nước tưới nên phát triển tốt. Tuy nhiên năm nay, do nước không đủ tưới nên cây lúa phát triển kém. “Mình mong đơn vị quản lý hồ thủy lợi Ia Hdreh điều tiết nước tưới đầy đủ để cây lúa phát triển”-chị H'Trúc nói.
  Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra mực nước tại công trình hồ chứa Ia Hdreh.          Ảnh: Q.N
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra mực nước tại công trình hồ chứa Ia Hdreh. Ảnh: Q.N
Tại cánh đồng này, gia đình bà Yươt (buôn Blăk, xã Ia Rmok) cũng có 9 sào lúa nước. Mấy ngày nay, biết lịch điều tiết nước của Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa nên bà Yươt phải túc trực để lấy nước vào ruộng lúa của gia đình. Bà lo lắng: “Nước ít quá, lấy cả tuần nay rồi mà vẫn chưa đủ. Cán bộ mà không điều tiết nước tưới đầy đủ thì mình sợ lúa chết mất”.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Xóa-Trưởng ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa-cho biết, theo quy trình vận hành hồ chứa thì mực nước cuối tháng 9 phải ở cao trình 189,5 m. Tuy nhiên, mực nước đo được tại thời điểm ngày 4-9 chỉ là 183,1 m, tương ứng với dung tích 1,15 triệu m3, đạt 26,6% so với mực nước thiết kế là 5,316 triệu m3. Nguyên nhân chủ yếu làm cho mực nước hồ Ia Hdreh xuống thấp là do thời gian qua trên địa bàn huyện ít mưa. Vì vậy, không có nguồn nước từ lưu vực thiết kế chảy về bổ sung vào hồ. Bên cạnh đó, trong tháng 7 và 8-2018, gió Tây Nam có tính chất khô hoạt động mạnh làm cho nước hồ bốc hơi nhanh. Hiện nay, diện tích lúa vụ mùa mà công trình vận hành tưới là 420 ha. Nếu trong 10 ngày tới mà không có mưa lớn trong lưu vực thì mực nước của hồ Ia Hdreh sẽ xuống cao trình đáy cống, tức là mực nước chết và nước không thể chảy qua cống để cung cấp cho cây trồng. Khi đó, tình hình khô hạn sẽ xảy ra nghiêm trọng.
“Căn cứ tình hình thời tiết và mực nước hồ, chúng tôi đã xây dựng phương án chống hạn, đồng thời tập trung lực lượng tham gia điều tiết nước tưới. Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đục kênh mương để lấy nước. Nếu hồ xuống mực nước chết thì chúng tôi sẽ sử dụng 4 máy bơm lưu lượng 200 m3/giờ để khai thác hết dung tích nước chết của hồ đảm bảo phục vụ tưới. Nếu trong 15-20 ngày tới mà có mưa thì hồ sẽ được tích nước”-ông Xóa cho biết thêm.
Trước tình hình này, ngày 11-9, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh đã đi kiểm tra mực nước tại hồ chứa Ia Hdreh. Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa yêu cầu Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND xã Ia Rmok xây dựng ngay phương án chống hạn cụ thể và chi tiết; UBND xã Ia Rmok thống kê diện tích lúa đẻ nhánh, lúa làm đòng, lúa mới gieo sạ và diện tích lúa ở khu vực cao để tập trung ưu tiên nước tưới. Riêng xã Ia Rmok cần tăng cường tuyên truyền đến nhân dân và phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện có lịch điều tiết nước cụ thể cho từng vùng, từng kênh, tránh trường hợp tranh giành nguồn nước gây mâu thuẫn. Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện cần tập trung toàn bộ nhân lực, phân công cán bộ phụ trách từng kênh để tưới tiết kiệm nước, cố gắng giữ được các diện tích lúa.
Quang Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.