TP. Pleiku: Người trồng rau rầu rĩ vì mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cơn mưa đến sớm và dai dẳng suốt hai tháng qua đã khiến nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn TP. Pleiku bị hư hại. Người trồng rau nơi đây chỉ biết buồn bã phá bỏ, thậm chí là phải tạm ngưng sản xuất vì đất ngập nước.

An Phú được coi là vựa rau lớn của TP. Pleiku. Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã gieo trồng được hơn 700 ha rau màu các loại. Thế nhưng hiện tại, hàng chục ha trong số đó đang bị ngập úng, thối giống hay nhiễm sâu bệnh hại do mưa kéo dài.

Cận cảnh cây mồng tơi bị nổ vàng lá do mưa. Ảnh: Hồng Thi
Cận cảnh cây rau mồng tơi bị nổ vàng lá do mưa. Ảnh: Hồng Thi

Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng rau, chị Võ Thị Lệ Huyền (thôn 2, xã An Phú) tâm sự rằng, chưa có năm nào chị thấy thời tiết diễn biến bất lợi như năm nay. Nếu vụ Đông Xuân nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới bị cạn kiệt làm giảm năng suất cây trồng thì đến vụ Mùa, trời mưa khá sớm và kéo dài khiến rau màu không thể xuống giống, hoặc có xuống giống được cũng bị thối, cây chẳng mọc.

“Nhà tôi có 3 sào đất, 1 sào trồng cải cay, 1 sào trồng mồng tơi, sào còn lại vẫn chưa thể gieo lại sau thu hoạch. Diện tích cải cay trồng cách đây nửa tháng giờ lên được gần 1 gang tay nhưng mưa quá bị thối gốc chết 30%, còn mồng tơi thì bị nổ vàng lá đến 40%. Đó là chưa kể mưa là môi trường thuận lợi để các loại sâu bệnh trên cây rau như nấm hồng, sâu cuốn lá… sinh sôi phát triển”-chị Huyền cho hay.

Mặc dù nằm ở địa hình cao hơn vùng An Phú, song nhiều vườn rau và hoa của người dân xã Chư Á cũng gặp phải tình trạng tương tự. Gia đình ông Trần Cư (thôn 1, xã Chư Á) có 4 sào cải ngọt đang đến độ thu hoạch nhưng khoảng 20% bị úng vàng lá do mưa. Phần diện tích còn lại ông vẫn phải bỏ hoang vì đất nhão, tích nước, không thể cày xới.

Ông Cư buồn bã bên vườn vạn thọ bị hư hại của gia đình mình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Cư buồn bã bên vườn vạn thọ bị hư hại của gia đình mình. Ảnh: Hồng Thi

Ngoài rau xanh, ông Cư còn dành ra 700 m2 đất để trồng hoa vạn thọ để bán vào dịp Rằm, mồng Một hàng tháng. Thế nhưng, giờ đây, vườn vạn thọ của ông phần lớn đã bị mưa gió làm cho gãy cành, chết úng, cây rũ lá và đen đúa. Số sống sót còn lại thì trên 50% bị thối hoa hoặc đùn cánh do không có ánh nắng mặt trời. Đứng giữa khu vườn tàn tạ vì mưa bão, ông Cư lắc đầu than thở: “Trước nay vạn thọ là nguồn thu nhập thường xuyên của gia đình nhưng mùa này coi như mất trắng. Tiền của, công sức mấy tháng trời coi như đổ sông đổ biển. Mong là mưa ít hôm nữa sẽ nắng ráo để còn tiếp tục sản xuất chứ cứ đà này nông dân chúng tôi có mà khóc ròng”.

Một điều đáng buồn nữa với người trồng rau Pleiku là dù mưa kéo dài, lượng rau cung ứng trên thị trường có giảm sút nhưng giá rau mà thương lái thu mua lại rất bèo bọt. “Cải hiện có giá dưới 1.000 đồng/kg, mồng tơi 1.000 đồng/bó, rau thơm thì chỉ 500 đồng/bó. Mình cắt vào cột thành bó, họ chỉ việc tới cân chở đi thôi. Sở dĩ giá rau rẻ là bởi hàng ngày rau ở khu vực An Khê, Đak Pơ đưa lên đây khá nhiều, thị trường Pleiku vẫn không hề khan hiếm rau để mà sốt giá”-chị Huyền lý giải.

Giá rau rẻ khiến người trồng rau phải chịu cảnh “thiệt kép”. Ảnh: Hồng Thi
Trời mưa cộng với giá rau rẻ khiến người trồng rau phải chịu cảnh “thiệt kép”. Ảnh: Hồng Thi

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Khương-Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, cho biết: Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, có khoảng trên 30 ha hoa màu của bà con trong xã bị thiệt hại, chủ yếu rơi vào các thôn 4, 9 và 10. Với địa bàn trồng rau là chính như An Phú, mưa nhiều khiến việc sản xuất gặp không ít trở ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Về phía Hội Nông dân xã, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể liên quan, hướng dẫn bà con nạo vét kênh mương chống úng chống ngập, tiêu thoát nước để bảo vệ diện tích rau còn lại; đồng thời lùi chọn ngày xuống giống phù hợp nhằm giảm bớt thiệt hại xảy ra khi mưa bão kéo dài.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.