Quyết tâm lớn từ những câu chuyện nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ngày 30-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Thiếu thành phần doanh nghiệp thì khó hình thành nền sản xuất lớn của nông nghiệp Việt Nam”. Và Thủ tướng Chính phủ đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam cũng phải là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và là một trung tâm logistics nông sản toàn cầu.
Đặt mục tiêu trong 10 năm tới đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 thế giới thể hiện quyết tâm vô cùng lớn của Chính phủ.
10 năm tới đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 thế giới thể hiện quyết tâm vô cùng lớn của Chính phủ. (ảnh nguồn internet)
Những mục tiêu lớn này không thể đạt được nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên sâu đầu tư cho nông nghiệp. Và trong làn sóng doanh nghiệp tham gia làm nông nghiệp này, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Vì thế, có đại biểu đã kiến nghị Chính phủ “mở cửa”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài nguyên gen thực vật quốc gia để được chủ động nghiên cứu, sản xuất các nguồn giống có hiệu quả kinh tế cao.
Làm nông nghiệp mà không chủ động được giống, không sáng tạo ra giống mới, không phát triển được những nguồn giống gen quý của quốc gia, chỉ biết nhập ngoại đủ loại giống F1, F2… thì không thể bền vững. Nhưng sự “mở cửa” này không thể thiếu cân nhắc, không thể tràn lan mà phải có những tiêu chí cụ thể, phải “chọn mặt gửi vàng” cho những doanh nghiệp có đủ khả năng và thực tế đã tạo ra được những giống mới.
Hiện tại, sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại về sự rủi ro trong lĩnh vực không hề dễ dàng này. Muốn các doanh nghiệp “xung phong” đầu tư vào nông nghiệp thì ngoài những chính sách ưu đãi, khuyến khích về vay vốn, còn rất cần một chính sách đồng bộ về liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, sự bảo đảm thu nhập tốt cho lao động nông nghiệp, tiến tới cổ phần hóa các doanh nghiệp liên kết sản xuất nông nghiệp mà trong đó, nông dân được tham gia như những cổ đông sáng lập. Không giải quyết được mức tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân thì không thể phát triển nông nghiệp.
Trong cuộc cách mạng nông nghiệp này, nông dân và doanh nghiệp là những chủ thể bảo đảm cho sự thành công. Người nông dân khi liên kết với doanh nghiệp, họ không chỉ là những “công nhân nông nghiệp” mà còn là những chủ nhân thật sự lao động sáng tạo trên đất đai của mình. Vì thế, sự tham gia làm nông nghiệp của những doanh nghiệp nhỏ liên kết với nông dân rất cần được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho sự liên kết này thành công.
Khi về làm việc với Gia Lai năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ rõ: “Gia Lai phải tìm kiếm các giải pháp khả thi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông-lâm sản. Đây không phải là việc của riêng Gia Lai mà còn của các tỉnh Tây Nguyên”. 
Với Gia Lai và Tây Nguyên, tài nguyên nước là vô cùng quan trọng, thậm chí là sống còn với sản xuất nông nghiệp. Tìm những biện pháp khả thi để tiết kiệm tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là việc cần làm ngay và làm có hiệu quả. Việc một số nông dân tự sáng chế ra cách tưới tiết kiệm nước bằng giàn tưới cho vườn hồ tiêu của gia đình là một minh chứng cho slogan “Sáng tạo nhỏ, hiệu quả lớn”. Nếu cả Gia Lai và Tây Nguyên đều thực hiện được việc tưới tiết kiệm nước thì tài nguyên nước ngầm của vùng sẽ được duy trì bền vững.
Đặt mục tiêu trong 10 năm tới đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 thế giới thể hiện quyết tâm vô cùng lớn của Chính phủ. Nhưng quyết tâm lớn này chỉ trở thành hiện thực từ vô vàn những nỗ lực lao động sáng tạo nhỏ trong cuộc cách mạng nông nghiệp trên chính những cánh đồng Việt Nam.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.