Nét mới trong sản xuất vụ mùa ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Pưh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả như: hỗ trợ người dân mượn giống để sản xuất, chuyển đổi cây trồng, tái canh cà phê...

  Gia đình anh Nay Phú-thôn Tao Ôr, xã Ia Rong làm đất chuẩn bị cho vụ mùa 2018. Ảnh: L.N
Gia đình anh Nay Phú-thôn Tao Ôr, xã Ia Rong làm đất chuẩn bị cho vụ mùa 2018. Ảnh: L.N

Tại cánh đồng xã Ia Rong, sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, người dân bắt tay ngay vào làm đất để xuống giống các loại cây trồng như: lúa nước, bắp, đậu các loại. Theo những hộ dân sản xuất ở cánh đồng này, năm nay mưa sớm nên bà con nông dân tranh thủ làm đất và xuống giống. Chị Kpă Oen (thôn Tao Ôr, xã Ia Rong) cho biết: “Gia đình có hơn 5 sào đất tại cánh đồng này. Sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, tôi liền thuê người cày đất để gieo sạ lúa vụ mùa cho kịp thời vụ”. Bên cạnh ruộng của chị Oen là ruộng nhà anh Nay Phú (cùng thôn) cũng đang cày để kịp xuống giống. Anh Nay Phú nói: “Mặc dù trời mưa nhưng tôi vẫn phải đi làm để gieo sạ cho kịp thời vụ và khi lúa chín sẽ tránh thời điểm mưa bão cuối năm”.

Để kịp thu hoạch lúa nước trước mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đã hướng dẫn nông dân tập trung gieo trồng đồng loạt cho từng cánh đồng. Việc xuống giống đồng loạt tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt, huyện đã trích kinh phí từ nguồn ngân sách tạm ứng cho các xã, thị trấn mua giống lúa cấp trước cho người dân mượn. Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Với mục đích chuyển đổi, cải tạo nguồn giống và hạn chế việc người dân thiếu vốn sản xuất phải vay “tín dụng đen” để mua giống lúa phục vụ sản xuất, năm nay, huyện đã trích kinh phí từ nguồn ngân sách tạm ứng cho các xã, thị trấn mua giống lúa HT1 và ML48 cấp cho người dân, sau đó sẽ thu hồi nợ khi thu hoạch. Ngoài ra, huyện tập trung triển khai dự án cánh đồng lúa lớn với quy mô 100 ha tại cánh đồng Ia Zô, Ia Sái (xã Ia Phang).

Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây để chống đổ ngã, rút ngắn quỹ thời gian canh tác, thu hoạch sớm; phổ cập giống lúa xác nhận vào sản xuất đại trà để nâng cao năng suất, chất lượng như: HT1, Q5, ML48... Đối với cây bắp thì gieo trồng giống CP 888, C919, CP333, Bioseed 9698... Đây là những giống phù hợp với trình độ canh tác của người dân, có khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao, ổn định.

Cũng theo ông Khanh, với cây công nghiệp dài ngày, huyện tập trung triển khai tái canh cà phê, chuyển đổi diện tích hồ tiêu già cỗi, dịch bệnh sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. Đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Cà phê Ea Kmat để ươm giống cà phê cấp cho 139 hộ trồng tái canh hơn 93 ha với tổng kinh phí hơn 489 triệu đồng (ngân sách huyện 300 triệu đồng, Công ty Nestle Việt Nam hỗ trợ hơn 155,4 triệu đồng và người dân đóng góp hơn 33,7 triệu đồng). Hiện nay, huyện đã hoàn thành việc cấp giống cây cà phê cho nông dân trồng tái canh. Đối với cây hồ tiêu, huyện cũng đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học để phòng trừ dịch bệnh, xử lý, tiêu hủy số diện tích bị nhiễm bệnh, bị chết để hạn chế lây lan ra diện rộng; vận động và định hướng cho người dân chuyển đổi diện tích hồ tiêu già cỗi, dịch bệnh chết sang trồng cà phê xen cây ăn quả hoặc liên kết với Trung tâm Chế biến rau củ quả DOVECO Gia Lai (Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) để trồng chanh dây; liên kết với Công ty TNHH Olam Việt Nam sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sản xuất hồ tiêu sạch... 


Theo kế hoạch vụ mùa 2018, toàn huyện Chư Pưh gieo trồng hơn 22.051 ha cây trồng các loại, trong đó, lúa nước 1.286 ha, bắp lai 3.300 ha, mì 1.202 ha, đậu các loại 503 ha, rau các loại 1.004 ha, đậu phộng 382 ha, hồ tiêu 3.055 ha (trồng mới 63 ha), cà phê 2.321 ha (trồng mới 158 ha), cao su 7.806 ha, gừng 101 ha, cây dược liệu 162 ha, khoai các loại 111 ha, cây ăn quả 348 ha (trồng mới 34 ha)... Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được hơn 19.071 ha (đạt 80% kế hoạch).
 


Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.