Ia Grai: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các cấp chính quyền huyện Ia Grai (Gia Lai) đang khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.   
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, mưa lớn thời gian qua đã cuốn trôi 6 cầu tạm dân sinh bằng gỗ (1 cầu tại làng Myăh, xã Ia Krai; 5 cầu tại làng Dun De, Bẹk, Ngai Yố, xã Ia Bă) và khiến hơn 37 ha lúa nước đang thời kỳ đẻ nhánh gần như mất trắng do ngập úng (xã Ia Sao 18,5 ha, xã Ia Bă hơn 19 ha).
  Chị Rơ Châm Úc (làng Ó, xã Ia Sao) chuẩn bị mạ để cấy lại.  Ảnh: L.N
Chị Rơ Châm Úc (làng Ó, xã Ia Sao) chuẩn bị mạ để cấy lại. Ảnh: L.N
Chị Rơ Châm Yưk (làng Dút 1, xã Ia Sao) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2 sào lúa nước bị ngập úng hết. Giờ tôi chỉ biết chờ nước rút để gieo sạ lại. Những năm trước, mưa cũng chỉ ngập 1-2 ngày là nước rút hết, nhưng năm nay mưa nhiều, nước ngập cả tháng trời. Tôi mong được Nhà nước hỗ trợ giống lúa để gieo sạ lại”. Còn chị Rơ Châm Úc (làng Ó, xã Ia Sao) cho hay: “Mưa lớn kéo dài làm 2 sào lúa của gia đình mình bị trôi gần hết, phải nhờ mấy chị em trong làng đi cấy lại, vừa tốn công vừa tốn mạ”.
Tại xã Ia Bă, mưa lớn cũng đã làm trôi 5 cây cầu dân sinh và ngập hơn 19 ha lúa nước, 0,5 ha khoai lang và 3 ha cà phê ven suối của người dân. Ngoài ra, nước suối dâng cao còn làm cô lập hoàn toàn khu thao trường bắn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và khiến người dân không thể đi qua khu sản xuất bên kia suối Ia Grang. Hiện địa phương cũng chưa thống kê được thiệt hại về cây trồng ở khu sản xuất bên kia suối Ia Grang. Ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă-cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã hàng ngày kiểm tra địa bàn, thống kê diện tích cây trồng, nhà cửa, cơ sở vật chất bị thiệt hại báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để kịp thời xử lý”. Cũng theo ông Bổn, xã đã vận động nhân dân không ở lại lều, nhà tạm, những nơi dễ sạt lở đất, dễ xảy ra lũ quét, không lội qua sông suối và chuẩn bị tốt thức ăn cho đàn gia súc. Còn đối với những cầu tạm bị trôi, hiện người dân đang chờ nước rút để sửa chữa, lấy lối đi làm rẫy. Đối với những cánh đồng nước rút, người dân đã tiến hành sản xuất lại.     
Để chủ động ứng phó, khắc phục nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, theo ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, Phòng đã tham mưu cho huyện ra công văn hướng dẫn và đề nghị UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát các vị trí xung yếu trên địa bàn, kịp thời có các biện pháp cảnh báo nguy hiểm. Quan tâm công tác đề phòng tai nạn đuối nước, ngăn không cho người dân qua lại tại các địa điểm mất an toàn, nhất là tại vị trí các cầu bị cuốn trôi, các đoạn đường bị ngập cục bộ vào thời điểm mưa lớn. Báo cáo kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra về Phòng Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và có hướng xử lý kịp thời. Riêng các xã có sông Sê San đi qua, các xã có hồ, đập thủy điện, cần quan tâm đến tình hình xả lũ của các công trình và tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không qua lại sông suối, nâng cao ý thức phòng-chống các tai nạn có thể xảy ra khi xả lũ, đặc biệt không vớt củi, đánh bắt cá trong thời điểm mực nước các sông suối lên cao.
“Hiện cây cầu tại làng Myăh (xã Ia Krai) người dân đã khắc phục xong. Còn các cây cầu tại xã Ia Bă, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND xã khẩn trương vận động người dân sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương chủ động làm lại. Đối với những diện tích lúa nước bị ngập úng, chính quyền các xã vận động nhân dân khơi thông dòng chảy kênh mương, sau khi nước rút thì tiến hành chăm sóc, phục hồi lại”-ông Đào Lân Hưng cho biết thêm.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.