Chư Prông tăng cường phòng-chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để chủ động phòng-chống cháy rừng, UBND huyện Chư Prông, Gia Lai đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2018.

Chư Prông là huyện biên giới có hơn 76.594 ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất có rừng khoảng 59.917 ha và đất chưa có rừng 16.677 ha. Vào mùa khô, trên địa bàn huyện luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, làm suy giảm tài nguyên rừng. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô, huyện Chư Prông đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện và các ban, ngành, đoàn thể bám sát cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCCCR tại cơ sở, thành lập các tổ, đội PCCCR; tổ chức triển khai họp thôn, làng, ký cam kết an toàn lửa rừng; kiểm tra, thống kê rẫy ở các xã, các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

 

Lực lượng chức năng huyện Chư Prông diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: L.N
Lực lượng chức năng huyện Chư Prông diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: L.N

Bên cạnh đó, để hạn chế và chủ động trong công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, các cơ quan chức năng của huyện đã xác định các điểm, các khu vực trọng điểm cháy rừng để triển khai các giải pháp hiệu quả. Cụ thể, tổng diện tích các khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn là hơn 2.456 ha.

Trong đó có khu vực rừng khộp của xã Ia Ga tại tiểu khu 948, 949 với diện tích hơn 1.861 ha; khu vực rừng khộp của xã Ia Piơr tại tiểu khu 975 với diện tích hơn 350 ha; khu vực rừng khộp của xã Ia Vê tại tiểu khu 910 với diện tích hơn 244 ha. Đồng thời, huyện cũng chuẩn bị lực lượng xung kích sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra với 566 người và các phương tiện gồm 11 xe ô tô, 108 xe máy và 190 dụng cụ thủ công như dao, rựa, cuốc, cào, bàn dập lửa để chữa cháy; thành lập mới 1 Ban Chỉ huy PCCCR và củng cố 9 Ban Chỉ huy PCCCR của các xã có rừng; ở mỗi xã còn thành lập một đội tình nguyện chữa cháy rừng.

Để thực hiện tốt công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn như: Đồn Biên phòng Ia Púch, Đồn Biên phòng Ia Mơr, Đồn Biên phòng Ia Lốp, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, Ia Mơr và các lực lượng thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, công an viên các xã... Ông Phan Quốc Huy-Phó phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, cho biết: “Ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã củng cố lực lượng và Ban Chỉ huy PCCCR, đồng thời phối hợp với xã để nâng cao công tác PCCCR như: tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn người dân đốt dọn nương rẫy an toàn; ký hơn 230 bản cam kết với người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Chúng tôi còn bố trí, phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm cháy. Để bảo vệ khu vực rừng trồng thông ba lá, chúng tôi đã tổ chức đốt trước có điều khiển tại khoảnh 11, 12 (tiểu khu 923) có diện tích khoảng 7 km, đốt dọn đường ranh cản lửa khoảng 6 km tại khoảnh 4 (tiểu khu 937) và khoảnh 1, 2, 4 (tiểu khu 939)... nhằm đảm bảo không để xảy ra cháy rừng”.

 

Ông Trương Vũ Tường-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông: “Tại Kế hoạch số 04/KH-UBND của UBND huyện về PCCCR đã chỉ đạo các chủ rừng và các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm về PCCCR. Nếu chủ rừng, địa phương nào để xảy ra tình trạng cháy rừng trên địa bàn quản lý mà không phát hiện, dập tắt đám cháy kịp thời thì thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện”.

Đồng thời, để tránh tình trạng cháy rừng trong mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện tập trung trực 24/24 tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao. Ông Trương Vũ Tường-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các công văn về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc tham gia PCCCR cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Hạt Kiểm lâm cũng như các cấp chính quyền, địa phương quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó là xây dựng phương án PCCCR mùa khô và phối hợp với các đơn vị chủ rừng, các xã cử người trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm cháy rừng; tiến hành kiểm tra công tác PCCCR đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã có rừng; tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác phát hiện lửa rừng để kịp thời cứu chữa khi cháy rừng xảy ra. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, công tác PCCCR luôn được đảm bảo.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.