Chủ động điều tiết nước tưới để tránh hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những cơn mưa cục bộ song nguồn nước tại các đập dâng thủy lợi vẫn đang suy giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tưới từ nay đến cuối vụ. Vì vậy, việc chủ động điều tiết nước tưới hợp lý đang được các địa phương và đơn vị quản lý các công trình thực hiện triệt để nhằm giảm thiệt hại do hạn hán gây ra.  

Hiện nay, các địa phương khu vực phía Tây của tỉnh đang bước vào cao điểm mùa khô. Đây cũng là lúc người dân đang tất bật tưới nước đợt II cho cây cà phê nên nguồn nước tại các công trình thủy lợi cũng như các con suối giảm dần. Dù tại một số địa phương đã xuất hiện mưa cục bộ song nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ thu hoạch vẫn hiện hữu ở nhiều nơi.

 

Đập dâng An Phú đã cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: N.D
Đập dâng An Phú đã cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Đến thời điểm này, nông dân các xã Ia Lâu, Ia Piơr đã thu hoạch lúa Đông Xuân, còn lại khoảng 10 ha gieo sạ sau đang được tiếp nước từ hồ Plei Pai, dự báo sẽ không bị hạn. Ở một số khu vực khác đang tập trung điều tiết nước tưới hợp lý để tránh hạn. Theo dự báo, năm nay mưa sớm nên sẽ tránh được hạn, nhất là khu vực xã Bàu Cạn đã xuất hiện một số cơn mưa góp phần giảm được nước tưới đợt II”.

Theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai, hiện tại, các hồ chứa lớn đang điều tiết nước tưới cho diện tích cây công nghiệp dài ngày. Tuy nhiên, một số đập dâng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới từ nay đến cuối vụ thu hoạch như: đập Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), Ia Pết, Phạm Kleo (huyện Chư Sê), hệ thống đập dâng An Phú, Plei Wâu, đập đất (TP. Pleiku)…

Ông Hoàng Bình Yên-Trưởng phòng Quản lý nước (Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi), cho biết: “Hiện nay, các khu vực có hồ chứa lớn đều đảm bảo nước tưới cho cây lúa và tưới đợt II cho diện tích cây công nghiệp. Song một số đập dâng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới cục bộ. Trước tình hình đó, Công ty đã chủ động điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa lớn sang các đập dâng, cụ thể là hồ Ia Ring (huyện Chư Sê) đang tiếp nước cho các công trình đập dâng dọc suối Ia Lốp xuống khu tưới huyện Chư Pưh. Riêng hệ thống công trình An Phú-Chư Á đến ngày 1-3, nước đầu nguồn đã không về 3 đập ở cuối nguồn, dự kiến đến ngày 15-3 nếu không có mưa thì năng suất lúa nơi đây sẽ bị giảm 50-70%. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có mưa sớm để bổ sung nguồn nước tưới cho các loại cây trồng cũng như các hồ đập, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Ông Phạm Vũ Tuấn-Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa cục bộ với lượng mưa khoảng 10 mm. Dự báo từ ngày 15-3 đến cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một vài cơn mưa trái vụ cục bộ, giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.