Chư Prông: Đẩy mạnh tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Prông là một trong những huyện có diện tích cà phê lớn của tỉnh với 13.500 ha. Đây là loại cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên, trong số đó đã có nhiều diện tích già cỗi, năng suất thấp nên việc đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê được xem là hướng đi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thực hiện Quyết định 587/QĐ-UBND ngày 5-9-2016 của UBND tỉnh về kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, huyện Chư Prông đã triển khai tái canh 2.000 ha. Theo đó, huyện đẩy mạnh tái canh cà phê, sử dụng giống mới; đẩy mạnh liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học với sự hỗ trợ của Nhà nước) để áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

 

Vườn cà phê được tái canh thì năng suất sẽ tăng từ 10% đến 20% so với trước đây. Ảnh: N.S
Vườn cà phê được tái canh thì năng suất sẽ tăng từ 10% đến 20% so với trước đây. Ảnh: N.S

Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả, UBND huyện Chư Prông chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành rà soát, lập danh sách đăng ký tái canh từ người dân làm cơ sở phân bổ diện tích một cách hợp lý. Để giúp người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu tư ban đầu, các địa phương hướng dẫn người dân các thủ tục vay vốn, đồng thời rà soát hỗ trợ cây giống cà phê thực sinh cho gần 1.000 hộ dân tại 14 xã trên địa bàn. Huyện cũng đã phối hợp với Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn nông dân đăng ký giống cà phê tái canh theo chương trình trợ giá của Công ty Nestlé.

Theo đó, năm 2016, huyện Chư Prông tái canh được hơn 100 ha, năm 2017 diện tích tái canh vượt lên hơn 400 ha. Trong năm 2018, các hộ dân đăng ký tái canh hơn 500 ha cà phê. Hiện nay, huyện đang tiến hành rà soát theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chốt diện tích và xây dựng kế hoạch thực hiện. Tất cả diện tích tái canh đều được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật và yêu cầu thực hiện đúng quy trình. Bên cạnh đó, để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của các loại cây cà phê, huyện Chư Prông đã triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm ở các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán và bước đầu thu lại hiệu quả cao.

 

Ảnh: N.S
Ảnh: N.S

Đến nay, toàn huyện có hơn 430 ha cây trồng (chủ yếu là hồ tiêu, cà phê) áp dụng phương thức tưới nước tiết kiệm. Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo tái canh cà phê huyện Chư Prông, cho biết: “Trong 2 năm 2016-2017, huyện chỉ tái canh được hơn 500 ha cà phê. Bởi vậy, khi được tỉnh giao chỉ tiêu tái canh cà phê năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Cũng như những năm trước, huyện đã quyết định hỗ trợ 100% giá trị cây giống cho các hộ tái canh cà phê trong diện được phê duyệt (mỗi hộ 1,7 ha); đồng thời Ban Chỉ đạo tái canh cà phê huyện và 3 tổ công tác bám cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.
 

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông: “Thời gian tới, chương trình tái canh cà phê trên địa bàn huyện sẽ được triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho vụ trồng mới tương đối chu đáo và hứa hẹn đạt kết quả khả quan”.

Khi tham gia chương trình tái canh, nhiều hộ được tiếp cận giống mới, quy trình chăm sóc bài bản với nhiều điểm tiến bộ hơn so với trước. Nhờ đó, vườn cà phê đã phát triển rất tốt, năng suất tăng 10-20% so với trước đây. Bên cạnh khâu lựa chọn giống, đất đai và sắp xếp nhân công, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho người dân để đảm bảo về yếu tố kỹ thuật, từ khâu trồng, chăm sóc cho đến xử lý khi có các sự cố bất thường. Nhờ triển khai đồng bộ các mặt công tác, hơn 500 ha cà phê tái canh trong 2 năm 2016-2017 đã cho hiệu quả rõ rệt khi vườn cây sinh trưởng tốt, đồng đều. Bên cạnh đó, giống cà phê mới cũng có khả năng chống chịu hạn hán, thời tiết bất thường tốt hơn.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.