Triển vọng giảm nghèo từ cây sa nhân tím

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2016 đến nay, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ 4 nhóm cải thiện sinh kế ở làng Hà Nừng 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang) trồng 4 ha cây sa nhân tím. Hiện tại, vườn cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, mở ra hướng phát triển mới cho bà con nghèo nơi đây.

Làng Hà Nừng 2 có đến 80% hộ dân tộc Bahnar. Lâu nay, người dân chủ yếu sản xuất theo phương thức lạc hậu với các loại cây truyền thống như: lúa rẫy, mì, bắp… nên thu nhập rất thấp. Khi hay tin có dự án trồng cây sa nhân tím, ai cũng phấn khởi, nhất là số hộ nghèo, cận nghèo. Ông Đinh Văn Chuyên-Trưởng nhóm cải thiện sinh kế làng Hà Nừng 2, phấn khởi cho biết: “Từ trước đến nay, bà con chỉ đi lấy sa nhân tím mọc dưới tán rừng mang về bán cho thương lái. Bây giờ, dự án hỗ trợ cho bà con về giống và kỹ thuật trồng sa nhân tím theo phương pháp tiên tiến. Hy vọng cây sa nhân tím sẽ góp phần giúp người dân thoát nghèo”.

 

Cây sa nhân tím đang mở ra hướng phát triển mới cho người nghèo ở xã Đak Rong, huyện Kbang. Ảnh: N.D
Cây sa nhân tím đang mở ra hướng phát triển mới cho người nghèo ở xã Đak Rong, huyện Kbang. Ảnh: N.D

Giữa năm 2016, 4 nhóm cải thiện sinh kế làng Hà Nừng 2 gồm những hộ nghèo, cận nghèo được dự án hỗ trợ trồng 4 ha sa nhân tím với mật độ 2.200 cây/ha trên đất nương rẫy. Các thành viên trong nhóm trồng chung để thuận lợi trong việc chăm sóc, bón phân và cùng nhau học tập cách làm. Bà Đinh Thị Thoe-thành viên của nhóm, chia sẻ: “Dự án Giảm nghèo đưa cây sa nhân tím đến với người dân, mình cảm ơn lắm! Có dự án giúp sức, chắc chắn trong thời gian không xa, làng mình sẽ khá hơn và số hộ nghèo cũng sẽ giảm”.

Được biết, sa nhân tím là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác của người Bahnar nơi đây. Cây sinh trưởng tốt mà không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Sau gần 2 năm trồng thử nghiệm trên đất rẫy, cây sa nhân sinh trưởng tốt, chỉ chờ ít thời gian nữa là ra quả. Đặc biệt, hạt sa nhân tím hiện có đầu ra rất ổn định.  

Có lẽ vì thế mà ngoài 4 ha sa nhân tím do dự án hỗ trợ, một số hộ trong làng đã tự mua giống về trồng. Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây sa nhân tím sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Bùi Trọng Lượng-Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Phát triển xã Đak Rong, cho hay: “Theo ước tính, sa nhân tím cho năng suất khoảng 1 tấn quả tươi/ha. Với giá ổn định từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg quả tươi, mỗi ha sa nhân tím thu về 30-40 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư ban đầu, mỗi thành viên nhóm cải thiện sinh kế có thu nhập khoảng vài triệu đồng. Với cây sa nhân tím, bà con chỉ trồng 1 lần là cho thu hoạch đến vài năm; mỗi năm cây sa nhân tím cho thu quả khoảng 2 lần. Vì thế, cây sa nhân tím có lợi thế so với các loại cây trồng khác”.

Được biết, việc trồng cây sa nhân tím ở xã Đak Rong xuất phát từ đề xuất của bà con nghèo nơi đây. Với khả năng chịu hạn tốt, chăm sóc dễ dàng, theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Kbang, cây sa nhân tím sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định từ việc cho thu hạt và mở ra triển vọng phát triển kinh tế trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

“Hiện nay, một số công ty về hợp đồng với bà con để mở rộng diện tích sa nhân tím làm cây dược liệu. Đây là cơ hội để người dân xã Đak Rong thoát nghèo”-ông Lượng nhấn mạnh.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.