Chư Sê quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Sê là địa phương có  nguồn đất đai trù phú, thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su…  Những năm qua, người dân địa phương này bắt đầu chuyển sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu cũng như xu hướng phát triển hiện nay.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, đến nay, toàn huyện có trên 3.000 ha hồ tiêu, trên 8.000 ha cà phê, chưa kể diện tích cây cao su. Những năm qua, trên địa bàn huyện đã có trên 489 ha cây trồng được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chủ yếu là sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trên các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, bí xanh. Diện tích này tập trung tại các xã: Ia Hlốp 64 ha, Chư Pơng 126 ha, Hbông 33 ha, Ia Pal 84 ha… giúp  tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, tăng thu nhập cho người dân.

 

Ông Dũng bên hệ thống tưới nước nhỏ giọt.    Ảnh: N.D
Ông Dũng bên hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Ảnh: N.D

Ông Trần Trung Dũng (làng Á, xã Ia Hlốp) cho biết: “Gia đình tôi sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt từ năm 2009. Hồi đó, sau khi tham quan học tập mô hình tưới tiết kiệm nước ở địa phương khác, tôi mạnh dạn đầu tư lắp ráp hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2 ha cây trồng, chủ yếu là cây ớt của gia đình. Lúc đó, giá lắp ráp rất cao, xấp xỉ 50 triệu đồng/ha nhưng bù lại việc tưới nước rất hiệu quả. Không chỉ tưới nước, việc bón phân cũng sử dụng hệ thống tưới này đem lại rất nhiều lợi ích, tiết kiệm công lao động so với cách làm thông thường. Hiện nay, gia đình đã mở rộng tưới thêm 3 ha ớt. Bà con ở đây cũng đang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trên các loại cây trồng khác nhau”. Cũng theo ông Dũng, chi phí lắp đặt công nghệ này sau một năm có thể lấy lại vốn. Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục lắp hệ thống tưới phun mưa cho cây khoai lang và gừng.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, các ngành vì đó là hướng sản xuất hiệu quả và bền vững. Huyện Chư Sê được lựa chọn là một trong 5 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để chính quyền và người dân huyện này chủ động thu hút đầu tư, đưa vào sản xuất đại trà các loại cây trồng và vật nuôi vốn là thế mạnh của địa phương.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho hay: Đã có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp,  chủ yếu là công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trên cây hồ tiêu, cà phê và rau màu. Còn sản xuất theo mô hình xây dựng nhà kính, nhà lưới, huyện  đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển trồng rau an toàn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng cho người dân, đi đôi chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ;  tổ chức tuyên truyền, vận động người dân một số vùng như xã Hbông mạnh dạn chuyển đổi những diện tích khô cằn, chưa hiệu quả  sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó,  huyện sẽ hỗ trợ hộ  nghèo áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hồ tiêu, chanh dây...

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.