Bộ trưởng mở đường cho cây mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 21-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội mắc ca Việt Nam xung quanh việc phát triển cây mắc ca. Trước một số ý kiến lo ngại về xu thế phát triển mắc ca hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Chớ nhìn thế giới mà ngại mình. Con tôm, cây cao su chúng ta cũng từng "cõng" từ thế giới về đấy. Đừng nghĩ đưa của thế giới về mà lại ngại ngần, mình có đủ lực để phát triển.

Tin tưởng vào triển vọng mặt hàng mắc ca

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của lãnh đạo Hiệp hội mắc ca Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận rằng: “Chúng ta phải nói rõ với nhau rằng, phát triển mắc ca nếu không nhanh là mất thời cơ. Với tiềm năng và quy hoạch hiện tại thì sản phẩm làm ra liệu đã đủ đáp ứng nhu cầu của 92 triệu người dân trong nước và hàng triệu lượt khách quốc tế đến du lịch chưa?”.

Vấn đề mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là phải vào cuộc một cách quyết liệt và triển khai thực sự bài bản. Còn nếu làm kiểu vô quản trị thì lại chết cho dân, chết cho doanh nghiệp và mất đi một ngành hàng đang có nhiều triển vọng.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Hiệp hội mắc ca.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Hiệp hội mắc ca.


Bộ trưởng giao đích danh Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ có trách nhiệm nghiên cứu việc phát triển mắc ca một cách bài bản, xác đáng, có đánh giá sát sao, số liệu thật cụ thể, sau hai tháng chuẩn bị một báo cáo mạch lạc, đầy đủ để Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì một hội nghị rộng rãi về vấn đề này.

"Chúng ta phải hoạch định cho một chiến lược dài hơi sau năm 2020 tăng tốc như thế nào, còn từ nay đến 2020 phải xây dựng được nền tảng vững chắc cho một ngành hàng nông nghiệp có giá trị lớn. Tôi yêu cầu các đơn vị phải vào cuộc với tinh thần chủ động nhất, tích cực nhất để triển khai có hiệu quả”-Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định rằng, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ sát cánh với Hiệp hội mắc ca và cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả chương trình trồng mắc ca. Chúng ta cùng quyết tâm để biến khát vọng bằng sự cống hiến. GS Hoàng Hòe, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đều đã ở tuổi 80 nhưng các đồng chí vẫn say mê, miệt mài cống hiến cho nông dân thì không cớ gì chúng ta ngồi đây lại không chung tay vì trách nhiệm đó.

“Tôi xin khẳng định lại là sẽ còn muôn vàn khó khăn nhưng nhất định mình phải quyết tâm và nỗ lực lớn để làm cho bài bản. Bối cảnh như thế càng cần những anh hùng”-Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Cây mắc ca đang được trồng nhiều ở Tây Nguyên.
Cây mắc ca đang được trồng nhiều ở Tây Nguyên.
“Tôi lưu ý các đồng chí, về kỹ thuật trồng mắc ca không được chủ quan. Xem trồng xen như thế nào là vừa. Không thể để một cây cao ngất nghểu, tán trùm rộng như thế. Một cây phân cành nhiều như mắc ca thì liệu làm thế nào để nó đậu quả cao. Vấn đề các đồng chí phải có một hướng dẫn cụ thể để cắt tỉa cành sao cho phù hợp, giảm thiểu sâu bệnh... ”-Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý

Không làm cho nó phát triển là lỗi chúng ta

Đề cập đến cây mắc ca, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là mặt hàng sản phẩm mới trong nông nghiệp nước ta, được nhiều người đánh giá là có triển vọng. Hiện mỗi năm nông nghiệp chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ đô la. Khu vực nào cũng được như thế này thì tốt quá. Nếu khai thác tốt tiềm năng, tự nhiên con người thì nông sản VN sẽ còn tăng lên nữa.

Ngoài 11 sản phẩm chủ lực quốc gia thì chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm thêm những sản phẩm mới, mắc ca là một ví dụ. Vấn đề là phải tổ chức tốt. Cái thuận của mắc ca là đất nước ta trải dài 15 vĩ độ, có hai tiểu vùng khí hậu rất tốt để cây ra hoa, tạo quả tốt, đó là Tây Nguyên và Tây Bắc.

“Mắc ca rất mới về thị trường, mới về sản phẩm. 20 năm chúng ta nhập khẩu nó về để nghiên cứu. Chúng ta biết ơn ông Nguyễn Công Tạn, người đã mang về cho đất nước những sản phẩm quý. Không làm cho nó phát triển lên là lỗi ở chúng ta”-Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, dù hàng hóa từ mắc ca đem lại chưa thể đạt triệu đô xuất khẩu như bác Tạn khát vọng nhưng giờ sản phẩm đã rõ hình hài, ngay cây giống chúng ta đã ghép được rất tốt rồi. Bước đầu như thế là ổn. Bộ trưởng khẳng định đúng là chưa có một sản phẩm nông nghiệp nào lại có một ngân hàng và Hiệp hội đi kèm mắc ca...

“Các đồng chí ở Hiệp hội mắc ca và các doanh nghiệp phải tính dài hơi rằng, chúng ta không chỉ đơn thuần sản xuất ra lấy mỗi quả sấy khô bán hoặc xuất khẩu thô. Chúng ta phải tạo ra được chuỗi giá trị chế biến thật sâu, tiến tới tinh dầu và các sản phẩm làm đẹp, làm giàu dinh dưỡng cho con người... Tỷ đô xuất khẩu, tỷ đô giá trị chính là chỗ này đấy”, Bộ trưởng gợi mở.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị, phải có cách làm bài bản để phát triển nhanh, bền vững từ cây giống, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, giám sát. Bộ trưởng đề nghị Cục trồng trọt rà soát lại bộ giống đã được công nhận. Lưu ý Cục không chỉ có công nhận xong rồi để đó, trách nhiệm của mình là phải giám sát, đánh giá quá trình để chỉ ra cho được giống nào phù hợp với tiểu vùng nào để hướng người dân trồng, cái nào kém, hạn chế thì mạnh dạn loại ra ngay.

Theo Danviet/NNVN

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.