Tự tạo cơ hội: Lót bạt trên cát nuôi cá lóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với phương pháp lót bạt trên cát để nuôi cá lóc, ông Trần Khương ở tỉnh Quảng Nam đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 

Ông Trần Khương thăm dò đàn cá lóc của gia đình mình
Ông Trần Khương thăm dò đàn cá lóc của gia đình mình


Vùng đất cát huyện Thăng Bình được ví như “sa mạc” thu nhỏ, bởi diện tích bao quanh toàn cát trắng. Ấy vậy mà cách đây 10 năm, ông Trần Khương (43 tuổi, ở tổ 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã mạnh dạn bới cát lên, trải bạt và khoan giếng bơm nước vào để nuôi cá lóc.

Ông kể về cơ duyên với nghề nuôi cá lóc: Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bôn ba khắp nơi để làm thuê với đủ thứ nghề. Một lần thất nghiệp, được bạn rủ về nhà ở Đồng Tháp chơi, rồi ở lại làm thuê cho một trang trại nuôi cá lóc. Thấy mô hình nuôi cá này mang lại hiệu quả kinh tế cao, rồi nghĩ sao họ nuôi được mà mình không thử. Thế là năm 2006, ông về quê nhà, hành trang mang theo là những kinh nghiệm học được từ mô hình nuôi cá lóc ở Đồng Tháp. Sau khi bàn với vợ, ông quyết định nuôi cá lóc trên chính phần đất trống sau vườn của gia đình. Với 20 triệu đồng tích góp được, ông mua hơn 2.000 con giống để lấy ngắn nuôi dài. Ao nuôi ở đây được ông dùng tấm bạt trải lót để giữ nước, rồi dùng bao xi măng đổ đất vào, chất lên thành bờ ao.

Thời gian đầu, dù tự tin với những kỹ thuật nuôi cá lóc tích lũy được sau nhiều năm. Ông Khương vẫn cẩn thận, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong môi trường khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Hằng ngày, ông quan sát tỉ mỉ từng dấu hiệu, phản ứng của đàn cá với điều kiện nuôi. Sau gần 7 tháng nuôi, vụ cá đầu tiên ông thu được 6 tạ cá thịt. Thấy hiệu quả tốt, ông tiếp tục nhân rộng quy mô nuôi. Đến nay gia đình ông có 5 ao với tổng diện tích hơn 200 m2, thả hơn 30.000 con cá lóc. Mỗi ao ông thả 6.000 con với diện tích 40 m2, ao có chiều dài 15 mét, chiều rộng 4 mét, chiều cao 1 mét.

Cũng theo ông Khương, mỗi năm gia đình ông xuất bán 2 vụ, mỗi vụ ông bán ra thị trường hơn 30 tấn cá. Nuôi trong vòng 6-7 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con khoảng 0,8 - 1 kg. Thuận lợi trong việc chăn nuôi là thương lái từ các chợ đầu mối trong tỉnh và ngoài Đà Nẵng đều đến tận nhà thu mua nên tiết kiệm được khoản chi phí vận chuyển. Hiện nay, giá ngoài thị trường dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với 2 vụ cá nuôi, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, gia đình ông thu về gần 500 triệu đồng/năm.

Thức ăn chủ yếu của cá lóc là cá tạp. Với 30.000 con có thể ăn gần 4 tạ cá tạp mỗi ngày. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, ông Khương không ngần ngại bỏ ra 300 triệu đồng để đầu tư kho đông lạnh chứa được hàng chục tấn thức ăn.

Tranh thủ những lúc giá cá tạp xuống thấp, ông bỏ tiền ra mua về chất vào kho. Đặc biệt vào những ngày mưa bão, ngư dân không ra khơi thì ông có nguồn thức ăn dự trữ cho cá. “Sau khi bán hết số cá trong ao, đích thân mình lại vào tận Đồng Tháp để nhập con giống về. Hiện ở địa phương chưa thể nhân thành công được con giống. Đây thật sự là một thiệt thòi rất lớn đối với người chăn nuôi địa phương”, ông Khương nói.

Với kinh nghiệm gần 10 năm nuôi cá lóc, ông Khương chia sẻ thêm: “Nuôi cá lóc trong bạt tuy không phát triển nhanh bằng ao hồ nhưng mình có thể chủ động được nguồn nước, đồng thời kiểm soát được các dịch bệnh về cá nên ít khi gặp rủi ro. Trong quá trình nuôi, khâu quan trọng và quyết định đến hiệu quả chính là nguồn nước. Để giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi và không để nguồn nước bị bẩn dễ gây bệnh cho cá, mỗi ngày phải thay nước cho các bể cá một lần vào buổi sáng sớm”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Khương còn giải quyết công ăn việc làm cho 4 lao động tại địa phương với thu nhập 3,5 triệu đồng-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nuôi loại cá này. Bạn đọc có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá lóc trên đất cát của ông Khương, có thể liên hệ số điện thoại: 0905315847.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.