Đẩy mạnh cho vay vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu tháng 10 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch tập trung giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2022 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. 
Thực hiện Kế hoạch số 1602/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc các huyện triển khai rà soát đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để tham mưu cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách làm cơ sở cho vay. Theo đó, từ đầu tháng 10-2022 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Chư Păh, Đak Pơ và Đức Cơ đã bắt đầu giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở (thuộc dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) ngay sau khi UBND các huyện ra quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ giải ngân 630 triệu đồng cho 16 hộ vay làm nhà ở. Ảnh: Sơn Ca
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ giải ngân 630 triệu đồng cho 16 hộ vay làm nhà ở. Ảnh: Sơn Ca
Theo quyết định của UBND huyện Đak Pơ, toàn huyện có 26 hộ được vay hỗ trợ làm nhà ở, 42 hộ được hỗ trợ đất sản xuất ở các xã: An Thành, Yang Bắc, Ya Hội và thị trấn Đak Pơ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-cho biết: “Phòng Giao dịch phối hợp với Phòng Dân tộc và UBND các xã, thị trấn nằm trong vùng dự án để kịp thời giải ngân cho vay hỗ trợ làm nhà ở, giúp người dân tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”. Từ cuối tháng 10 đến nay, Phòng Giao dịch đã giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ nhà ở với số tiền 630 triệu đồng cho 16 hộ. Hơn 400 triệu đồng còn lại, đơn vị sẽ giải ngân hết trong tháng 11 cho các hộ vay theo danh sách. Đối với nguồn vốn hỗ trợ đất ở hơn 4 tỷ đồng, do địa phương không còn quỹ đất sản xuất nên Phòng Giao dịch chưa triển khai cho vay được”.
Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở bao gồm: hộ nghèo DTTS; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mức cho vay do Ngân hàng CSXH và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 40 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay do Ngân hàng CSXH và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. 
Là một trong những hộ đầu tiên của huyện Đak Pơ được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, anh Đinh Ngọc (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Căn nhà đang ở được cất tạm bợ khi tôi lập gia đình, giờ đã xuống cấp. Mới đây, tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện vay vốn làm nhà ở”. Theo dự tính của anh Ngọc, bên cạnh số tiền vay 40 triệu đồng từ ngân hàng, anh sẽ gom góp thêm để xây căn nhà khoảng 40-45 m2.  
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp các hộ DTTS có điều kiện sửa chữa, xây mới nhà ở. Ảnh: Đức Thụy
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp các hộ DTTS có điều kiện sửa chữa, xây mới nhà ở. Ảnh: Đức Thụy
Còn tại Kbang, bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Theo danh sách phê duyệt của UBND huyện, năm 2022 có 30 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, thuộc địa bàn xã Đông, Nghĩa An, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Lơ Ku, Sơn Lang, Đak Smar, Đak Rong, Kon Pne và thị trấn Kbang. Căn cứ vào danh sách đối tượng thụ hưởng được phê duyệt trong tháng 10, chúng tôi đã giải ngân cho vay được 7 hộ với số tiền 280 triệu đồng. Trong tháng 11 này, Phòng Giao dịch tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Dân tộc huyện hướng dẫn bà con lập hồ sơ thủ tục để được hỗ trợ vốn vay làm nhà ở, góp phần đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống”. 
Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ hơn 6 tỷ đồng/116 hộ vay. Dự kiến đến ngày 31-12-2022, doanh số cho vay đạt 60 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở là 24 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này trong thời gian sớm nhất, Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung giải ngân để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2022. Trong đó, chủ động phối hợp với Phòng Dân tộc huyện kịp thời tham mưu cho UBND huyện phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng để Ngân hàng CSXH có cơ sở cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.