Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được chính quyền địa phương quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 20,36%.
Trước đây, số hộ nghèo tại xã Ia Ma Rơn chiếm tỷ lệ cao nhưng từ khi người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã mở ra nhiều hướng giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chị Ksor H’Mơn (buôn Ma Rin 2) cho biết: Năm 2018, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã cho gia đình chị vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư mua 3 con bò về nuôi. Sau 3 năm, đàn bò đã phát triển lên 7 con, trị giá gần 100 triệu đồng. Năm 2021, sau khi trả hết nợ, chị tiếp tục vay 50 triệu đồng đầu tư mua đất sản xuất nhằm tăng thu nhập. “Hiện nay, ngoài duy trì đàn bò 4 con, gia đình tôi còn mua được 1 sào đất để trồng lúa. Cuối năm 2021, gia đình tôi đã thoát nghèo”-chị H’Mơn chia sẻ.
Tương tự, gia đình chị Nay H’Út (buôn Plơi Rngôl, xã Ia Trok) cũng thoát nghèo hơn 1 năm nay nhờ phát huy nguồn vốn vay ưu đãi. Với thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/năm từ trồng mía, lúa và chăn nuôi bò là kết quả của việc sử dụng hiệu quả vốn vay. Chị H’Út cho biết: Năm 2004, gia đình chị vay vốn Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Đến năm 2007, khi bán bò trả nợ ngân hàng còn dôi ra 8 triệu đồng. Cộng với số tiền dành dụm được, chị thuê máy san ủi 1 ha đất bỏ hoang để trồng lúa; đồng thời mua thêm 3 sào đất để trồng mía. “Vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH rất có ý nghĩa với gia đình tôi. Năm 2021, gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn xây được căn nhà kiên cố trị giá 400 triệu đồng”-chị H’Út vui vẻ nói.
Chị Ksor H'Mơn (thứ 3 từ trái qua), buôn Ma Rin 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa cùng cán bộ Ngân hàng bên đàn bò của mình. Ảnh: Đinh Yến
Chị Ksor H'Mơn (thứ 3 từ trái sang, buôn Ma Rin 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cùng cán bộ Ngân hàng bên đàn bò của mình. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Văn Nhật-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Cuối năm 2021, xã Ia Ma Rơn về đích nông thôn mới. Đạt được kết quả này có vai trò quan trọng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện khi tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, dư nợ cho vay trên địa bàn xã đạt trên 73 tỷ đồng, với 1.696 hộ vay”.
Với nhiều nỗ lực, giải pháp, trong đó có vấn đề đáp ứng vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo, mà 10.049 hộ trên địa bàn huyện Ia Pa đã thoát nghèo trong 20 năm qua. Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện kiêm Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa-thông tin: Ngân hàng CSXH đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với dịch vụ tín dụng nhà nước, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Tín dụng chính sách ưu đãi cũng đã góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế và tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa làm việc trực tiếp tại xã để giảm thời gian đi lại cho người vay vốn. Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa làm việc trực tiếp tại xã để giảm thời gian đi lại cho người vay vốn. Ảnh: Đinh Yến
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ánh Tôn-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa-nhấn mạnh: 20 năm qua, với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Phòng Giao dịch đã thực hiện 14 chương trình cho vay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 339 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm mới hàng năm cho 1.055 lao động; 637 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng trên 13.259 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 6.710 hộ vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh... “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác huy động vốn, thu nợ, cải tiến quy trình xử lý hồ sơ, đẩy nhanh giải ngân để người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay, nâng hạn mức vay cho sản xuất kinh doanh và các nhu cầu khác theo quy định. Đồng thời, duy trì việc giao dịch trực tiếp tại xã vào ngày 21 hàng tháng để giúp các tổ tiết kiệm và vay vốn, người vay trả gốc, lãi, nộp tiết kiệm… nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại cho người vay. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách ưu đãi để tất cả đối tượng chính sách đều tiếp cận nguồn vốn”-ông Tôn nhấn mạnh. 
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.