Thị trường biến động, vàng miếng "đứt" hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 ngày qua, giá vàng trong nước liên tục biến động thất thường. Khi giá bắt đầu giảm, nhiều người dân đổ xô bán ra để tránh lỗ vốn, trong khi giới đầu tư lại mạnh tay mua vào với số lượng lớn. Hiện giá vàng đang đà tăng trở lại, hoạt động mua bán cũng giảm nhưng trên thị trường đã xảy ra tình trạng “đứt” hàng vàng miếng.
Giá vàng giao dịch sáng 31-7 lại tiếp tục tăng lên. Cụ thể, vàng SJC có giá 67,1 triệu đồng/lượng bán ra và 66 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 400 ngàn đồng/lượng so với cuối ngày 30-7); vàng PNJ có giá 53,3 triệu đồng/lượng bán ra và 52,2 triệu đồng/lượng mua vào. Giá vàng đã có một đợt giảm mạnh trong hơn 1 tuần và bắt đầu tăng trở lại trong mấy ngày cuối tuần qua. Theo dự báo của các chuyên gia, giá vàng sẽ còn tiếp tục biến động.
Bà Võ Thị Hồng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Cách đây 10 ngày, khi vàng xuống ngưỡng 62,5 triệu đồng/lượng, tôi quyết định rút bớt tiền gửi tiết kiệm online để mua 5 lượng. Bây giờ, giá đang trên đà tăng trở lại nhưng tôi chưa muốn bán vì khả năng giá sẽ còn tăng lên nữa”. Trong khi đó, bà Lê Thị Vinh (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) có nhu cầu mua vàng miếng để dành thì lại tìm mua không có. “Tôi hay mua vàng của hệ thống PNJ vì ở đây chênh lệch giữa mua vào-bán ra ít hơn. Mấy ngày trước, tôi hỏi mua thì mấy cửa hàng đều không có vàng PNJ và SJC, cả vàng miếng loại 1 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng. Khi tìm đến các cửa hàng của tư nhân thì thấy giá chênh lệch giữa mua vào-bán ra rất cao nên tôi không mua vàng miếng mà mua vàng nhẫn để dành. Trước đó, giá vàng neo ở mức rất cao trong khoảng thời gian khá dài, muốn mua cũng không dám vì sợ rủi ro. Lúc giá giảm, mình tranh thủ mua vào để cất trữ, chứ không phải mua đi bán lại chốt lời như giới đầu tư”-bà Vinh nói.
Nhiều người lựa chọn vàng là kênh để đầu tư sinh lời. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều người lựa chọn vàng là kênh đầu tư "lướt sóng" để kiếm lời. Ảnh: Vũ Thảo
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai-Cửa hàng trưởng Trung tâm Kim hoàn PNJ (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) cho biết: Khi giá vàng giảm mạnh, khách mua rất nhiều nhưng cửa hàng lại không có vàng miếng để bán, kể cả vàng PNJ và SJC. Có thời điểm lượng khách hỏi mua cả 100 lượng vàng, trong khi hàng về rất nhỏ giọt, mỗi lần chỉ vài lượng, không đủ đáp ứng nhu cầu. Tình trạng đứt hàng diễn ra khi giá vàng trên thị trường giảm mạnh, các nhà đầu tư tăng mua. Không chỉ đứt hàng vàng miếng mà vàng nhẫn loại 5 phân, 1-2 chỉ cũng rất khan hàng. “Xảy ra tình trạng đứt hàng là do trước đó, lượng hàng tồn không lớn mà số lượng nhập về mỗi lần cũng không nhiều. Do đó, khi giá biến động mạnh, nhà đầu tư mua số lượng lớn, cộng với trước đó là mùa cưới nên nhu cầu tăng rất cao. Ngoài vàng miếng, vàng nhẫn thì vàng trang sức cũng được giao dịch khá sôi động trong những ngày qua”-bà Mai nói thêm.
Theo đại diện nhiều tiệm vàng, lượng khách hàng giao dịch mua bán với số lượng lớn trong 3 ngày gần đây có xu hướng giảm khi giá vàng đang trên đà tăng trở lại. Mặc dù vậy, có thời điểm, vàng miếng cũng khan hàng, phải đi thu gom nhiều nơi mới đáp ứng đủ nhu cầu của giới đầu tư. Trước diễn biến khó lường của giá vàng, khoảng cách chênh lệch giữa mua vào-bán ra cũng được các tiệm vàng nới rộng, có lúc chênh nhau đến hơn 1,5 triệu đồng/lượng. Trong một tuần đầy biến động, có người “bắt đáy” thành công, nhưng cũng có người tiếc nuối khi đem vàng đi bán và sau đó giá bật tăng trở lại.
Ông Lê Hoàng Văn-chủ tiệm vàng Ngọc Diệp (144 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Giá vàng bắt đầu rời mốc 68 triệu đồng/lượng và liên tục giảm xuống còn 62 triệu đồng/lượng có thể do thông tin về việc Nhà nước muốn cân bằng giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Thời điểm giá giảm mạnh, người dân ồ ạt bán để tránh lỗ vốn, trong khi đó, giới đầu tư lại tăng mua vào với số lượng lớn, nhiều người mua cả 50-70 lượng vàng/lần. Ngoài mua vàng tích trữ, nhu cầu vàng nhẫn, vàng trang sức cũng tăng lên khoảng 50% so với thời điểm giá biến động ít. Hiện tại, giá vàng đang trên đà tăng trở lại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất. Vì vậy, lượng giao dịch mua vào-bán ra cũng không tăng đột biến như trước đó mấy ngày. Trong 2 ngày qua, sức mua giảm có thể do đã qua tháng 7 âm lịch nên nhu cầu mua vàng phục vụ việc cưới hỏi chưa phát sinh, rồi giá đang tăng nên người dân cũng nghe ngóng tình hình”.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.