Chia sẻ cùng khách hàng vượt qua khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2021, ngành Ngân hàng đã chủ động nguồn lực để chia sẻ với khách hàng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh xung quanh kết quả đạt được và định hướng trong năm mới.

* P.V: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2021?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh ước đạt 97.300 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 47.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Kết quả này đã thể hiện rõ nét tình hình tăng trưởng, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài.

 

  Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Đức Thụy
Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Đức Thụy

Mặc dù không tăng trưởng mạnh, song với quy mô tín dụng hiện hữu và mặt bằng lãi suất ổn định, nguồn vốn ngân hàng vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất cho các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn chiếm tới 53,3% tổng dư nợ, dư nợ cho vay mới chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đạt hơn 4.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 16.748 tỷ đồng, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 5.255 tỷ đồng… Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, đến cuối năm 2021 giảm 1,04% so với thời điểm cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 2,77% trên tổng dư nợ. Điều này cho thấy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luôn gắn mục tiêu tăng trưởng bền vững với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

* P.V: Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được coi là điểm đáng ghi nhận của ngành Ngân hàng. Thông qua việc triển khai đã mang lại những kết quả gì cho nền kinh tế, thưa ông?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại chủ động cân đối và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Với tinh thần chủ động đồng hành chia sẻ khó khăn với khách hàng, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu trong năm 2021; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế 3.659 tỷ đồng cho 1.152 khách hàng, thực hiện miễn, giảm lãi lũy kế 32.233 tỷ đồng cho 18.246 khách hàng với số tiền lãi, phí được miễn giảm 50,3 tỷ đồng, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 19.190 tỷ đồng.

Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phê duyệt và giải ngân cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg hiện còn dư nợ 370 triệu đồng với 7 doanh nghiệp; cho vay hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đạt dư nợ 3,234 tỷ đồng với 41 doanh nghiệp, 1.016 lượt người lao động. Giải pháp này không chỉ góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn mà còn tiếp thêm động lực, nguồn lực tài chính cần thiết giúp khách hàng sớm phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

1 Các ngân hàng thương mại chủ động thích ứng hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: Sơn Ca
Các ngân hàng thương mại chủ động thích ứng hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: Sơn Ca


* P.V: Năm 2022, ngành Ngân hàng đã xây dựng định hướng như thế nào nhằm đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế, thưa ông?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn bằng các hình thức ngày càng đa dạng. Đồng thời, bám sát danh mục lĩnh vực dự án kêu gọi đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để đảm bảo đầu tư vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, mở rộng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, có giải pháp chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng và Quỹ Tín dụng nhân dân tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ các dịch vụ, tiện ích ngân hàng hiện đại nhằm hạn chế cho vay, thanh toán bằng tiền mặt.  

Từ diễn biến hoạt động ngân hàng trong năm 2021 và dự báo khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu định hướng trong năm 2022. Theo đó, nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ cho vay tăng 5% so với năm 2021, tiếp tục kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ. Trên tinh thần đoàn kết thống nhất, ngành Ngân hàng tỉnh quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, đặt trọng tâm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 SƠN CA (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.