Cơ hội phát triển thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai có sự đầu tư đáng kể, được nhiều doanh nghiệp, người dân lựa chọn nhờ ưu thế tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TMĐT đang là lựa chọn phù hợp giúp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.

Giao dịch trực tuyến tăng

Những năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp; hệ thống viễn thông, internet cáp quang được mở rộng, mạng điện thoại 3G, 4G và mạng truyền dẫn cáp quang được phủ sóng rộng rãi… Cùng với đó, các siêu thị, trung tâm mua sắm, các đơn vị cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; chữ ký số được triển khai sử dụng trong cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp; hạ tầng logistics hỗ trợ TMĐT ngày càng được quan tâm phát triển… Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm đã triển khai chương trình khuyến mãi dành cho khách mua hàng trực tuyến. 

 

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku giới thiệu về app đặt hàng qua zalo. Ảnh: Quang Tấn
Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku giới thiệu về app đặt hàng qua mạng xã hội Zalo. Ảnh: Quang Tấn


Theo bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, để khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến, đơn vị đã triển khai ứng dụng thanh toán trực tuyến ZaloPay với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. “Khách hàng được ưu đãi 100 ngàn đồng nếu lần đầu thanh toán qua ZaloPay và nhận 1 phiếu mua hàng trị giá 50 ngàn đồng nếu thanh toán từ 150 ngàn đồng; 50 ngàn đồng đối với khách hàng cũ và nhận 2 phiếu mua hàng 25 ngàn đồng nếu thanh toán từ 200 ngàn đồng. Với khẩu hiệu “Đặt trên Zalo, hàng nhận tại nhà”, khách hàng chỉ cần đặt hàng, chúng tôi sẽ giao miễn phí trong bán kính 6 km ngay trong ngày. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi đã đưa lên trang Zalo hơn 7.000 đơn vị hàng hóa và cứ 2 tuần sẽ tiến hành cập nhật danh mục dựa trên phản hồi của khách hàng. Do đó, lượng khách mua hàng trực tuyến từ đầu năm đến nay tăng cao, chiếm 50% doanh thu của Siêu thị”-bà Thy cho biết.

Bên cạnh các siêu thị, trung tâm mua sắm, nhiều người dân trong tỉnh cũng tìm cách đưa nông sản của mình lên mạng xã hội để kết nối với người tiêu dùng. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các loại cây ăn quả đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được, chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã dùng trang Facebook cá nhân để tiếp thị, quảng bá sản phẩm trái cây của gia đình. Chị Thảo phấn khởi nói: “Hiện nay, việc bán hàng qua mạng xã hội được rất nhiều người quan tâm và đặt mua. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng đăng hình ảnh, clip vườn cây mà tôi đã bán được gần 5 tấn sầu riêng và bơ”. Còn bà Lê Thị Thùy Dương (tổ 3, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, tôi chọn cách mua hàng qua mạng, hạn chế ra đường. Tôi cũng ưu tiên chọn đặt mua ở những cửa hàng, siêu thị, nhà vườn uy tín nên chất lượng sản phẩm đảm bảo, việc giao hàng, thanh toán cũng nhanh chóng, tiện lợi”.

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh phát triển kinh doanh theo hình thức TMĐT. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thông tin sản phẩm trên các cửa hàng trực tuyến. Mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT uy tín để trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện mua sắm trên các sàn TMĐT, các website TMĐT có gắn logo “đã thông báo/đăng ký” với Bộ Công thương.

Phát huy thế mạnh TMĐT

Theo báo cáo của Sở Công thương, doanh số trong giao dịch TMĐT hàng năm tăng khoảng 15%/năm, chiếm 4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế, tài chính hạn hẹp, không có nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ mạnh để có thể vừa quản trị, vừa đẩy mạnh ứng dụng TMĐT. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán, đánh lừa người tiêu dùng ngay trên môi trường mạng làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư vào TMĐT của các doanh nghiệp.

 Việc người dân tăng cường mua hàng trực tuyến góp phần hạn chế tập trung đông người trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Quang Tấn
Việc người dân tăng cường mua hàng trực tuyến góp phần hạn chế tập trung đông người trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Quang Tấn



Để thúc đẩy TMĐT phát triển giai đoạn 2021-2025, Gia Lai sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu đến năm 2025 đạt mức trung bình khá so với mục tiêu chung của cả nước. Cụ thể, từ nay cho đến năm 2025, tỉnh đặt chỉ tiêu có trên 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 400 USD/người/năm; doanh số TMĐT hàng năm tăng trung bình khoảng 20%/năm, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của toàn tỉnh; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 40%; 50% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và chứng thực chữ ký số; 95% doanh nghiệp có website; 100% các siêu thị, đơn vị cung cấp điện nước, viễn thông triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia mua bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT; giúp tìm kiếm đối tác thông qua việc khai thác các cơ hội giao thương, cũng như quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ thiết kế, nâng cấp website TMĐT chuyên nghiệp, có đầy đủ chức năng để bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, Sở sẽ hỗ trợ xây dựng các phần mềm, ứng dụng TMĐT theo chuẩn quốc tế trên môi trường trực tuyến. Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia bán hàng qua mạng xã hội, đẩy mạnh ứng dụng các hình thức thanh toán trực tuyến. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về TMĐT phù hợp với đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

“Đặc biệt, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường biện pháp quản lý giá, đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng. Phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), đại diện của các tập đoàn TMĐT uy tín trong và ngoài nước tổ chức hội thảo hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT uy tín như: Amazon, Alibaba...”-Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh.

 

 NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.