Gia Lai: Nhu cầu tín dụng suy giảm vì dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quy mô tín dụng toàn tỉnh Gia Lai giảm 1,4% so với thời điểm cuối năm 2020. Điều này cho thấy tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát đã tác động không nhỏ đến hoạt động ngân hàng khi nhu cầu lẫn khả năng hấp thu vốn trên thị trường đều giảm.
Hiện mức lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,1-0,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4,5-5,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5,5-6%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ phổ biến ở mức 6%-8%/năm; cho vay trung, dài hạn từ 9% đến 10,5%/năm. Riêng đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên thì lãi suất cho vay áp dụng ở mức 4,5%/năm.
Để có mặt bằng lãi suất thấp, các ngân hàng chủ động tiết kiệm, giảm bớt chi phí hoạt động. Ảnh: Sơn Ca
Để có mặt bằng lãi suất thấp, các ngân hàng chủ động tiết kiệm, giảm bớt chi phí hoạt động. Ảnh: Sơn Ca
Mặc dù nguồn cung đang ở mức khá tốt, song cầu tín dụng có dấu hiệu chững lại và giảm đều ở cả các nhóm khách hàng. Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-đánh giá: “5 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tái bùng phát đã ảnh hưởng nhiều mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, vận tải, du lịch, hoạt động tiêu thụ nông sản gặp khó khăn dẫn đến hoạt động tín dụng có biến động tăng giảm theo từng tháng. Tính đến cuối tháng 5, quy mô tín dụng của Chi nhánh giảm 5% so với đầu năm; trong khi đó, huy động vốn tăng 5%. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì cầu tín dụng mới có khả năng tăng trở lại”.
Ông Trần Văn Chương-Giám đốc BIDV Gia Lai-chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, BIDV Gia Lai tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 gắn với phương án xử lý nợ xấu; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại dư nợ, cơ cấu lại nền khách hàng nên dư nợ tín dụng tiếp tục giảm khoảng 10%. Trong khi đó, huy động vốn tăng khoảng 3% so với đầu năm. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu đã giảm dưới 3%/tổng dư nợ”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh dooanh bị giảm sút về doanh thu, hiệu quả kinh doanh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị giảm sút về doanh thu. Ảnh: Sơn Ca
Phân tích về biên độ tăng giảm ngắn hạn trong những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh-cho biết: “Hiện nền kinh tế của địa phương gặp một số trở ngại nhất định do dịch Covid-19 tái bùng phát, hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn đang duy trì ổn định nhưng vẫn chịu tác động nhất định khi nhu cầu tín dụng giảm. Tuy nhiên, nhờ chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ nên nợ xấu chỉ chiếm 3,4%/tổng dư nợ, giảm được 0,4% so với cuối năm 2020”.
Trong bối cảnh cả nước quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đến nay, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 11.811 tỷ đồng; số dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 1.088 tỷ đồng/611 khách hàng; số dư nợ đã miễn, giảm lãi là 1.551 tỷ đồng/8.385 khách hàng; doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23-1-2021 đến nay là 10.680 tỷ đồng với 2.804 khách hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, đến cuối tháng 5-2021, tổng huy động vốn ước đạt 43.100 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ cho vay ước đạt 93.100 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tới 62,4%, giảm 2,3% so với cuối năm 2020; dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 37,6%, tăng 0,01% so với cuối năm 2020. 
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.