Ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai tập trung xử lý nợ xấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, củng cố chất lượng tín dụng, chủ động và quyết liệt hơn trong công tác xử lý nợ xấu nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.
 


Năm 2020 là năm đầu tiên BIDV Gia Lai triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, gắn với phương án xử lý nợ xấu. Mặc dù điều kiện kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, bứt phá”, BIDV Gia Lai đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hoàn thành kế hoạch kinh doanh với kết quả khả quan.

  Năm 2020, BIDV Gia Lai đã thu hồi 1.370 tỷ đồng nợ xấu, nợ tiềm ẩn, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đáng kể. Ảnh: Sơn Ca
Năm 2020, BIDV Gia Lai đã thu hồi 1.370 tỷ đồng nợ xấu, nợ tiềm ẩn, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đáng kể. Ảnh: Sơn Ca


Ông Trần Văn Chương-Giám đốc BIDV Gia Lai-cho biết: “Kết thúc năm 2020, huy động vốn của đơn vị tăng trưởng 6%, dư nợ tín dụng đạt 10.575 tỷ đồng, trong đó, dư nợ bán lẻ đạt 3.738 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm 2019. Đối với công tác xử lý nợ, BIDV Gia Lai đã thực hiện rà soát, phân theo khách hàng và xây dựng giải pháp cụ thể”.

Nhờ đó, Chi nhánh đã cơ cấu lại nợ cho một số khách hàng lớn với hơn 1.800 tỷ đồng, thu hồi nợ xấu, nợ tiềm ẩn 1.370 tỷ đồng, thu nợ ngoại bảng hơn 131 tỷ đồng. Năm 2021, BIDV Gia Lai tiếp tục cơ cấu toàn diện hoạt động kinh doanh theo hướng tăng trưởng bền vững, gia tăng tỷ trọng thu từ huy động vốn và dịch vụ, cơ cấu lại nền khách hàng, lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động. Đối với công tác xử lý nợ, đơn vị tập trung xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ ngoại bảng, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 dưới 3%.

Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng VietinBank Gia Lai cũng đã từng bước tái cấu trúc lại dư nợ, đánh giá những khách hàng có dấu hiệu rủi ro trong hoạt động kinh doanh, vay đầu tư sai mục đích để cắt giảm dư nợ, chuyển nhóm nợ và xử lý thu hồi. Trong năm 2020, đơn vị đã thu hồi 90 tỷ đồng nợ xấu, chuyển nhóm nợ 75 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Việt-Phó Giám đốc VietinBank Gia Lai-cho hay: “Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Tòa án, cơ quan Thi hành án Dân sự, nhưng trong công tác xử lý, thu hồi nợ vẫn gặp khó khăn. Nhiều trường hợp khách hàng chây ỳ, không hợp tác, tranh chấp tài sản đã ảnh hưởng đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu”.

Trong năm 2021, VietinBank Gia Lai tập trung nguồn lực cho công tác xử lý nợ, thu hồi nợ xấu. Đồng thời, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, năng lượng tái tạo...

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,76%/tổng dư nợ toàn ngành, tăng 1,04% so với cuối năm 2019.

Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Nguyễn Hữu Nghị nhấn mạnh: “Trong năm 2021, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng. Đẩy mạnh hoạt động đánh giá tình hình tài chính, thực trạng hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ của các khách hàng có dư nợ lớn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, giám sát, chú trọng thanh tra về chất lượng tín dụng, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Tăng cường khả năng phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động ngân hàng”.

SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.