Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 10.700 tỉ đồng 9 tháng đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế tăng hơn 20% so với cùng kỳ, lên hơn 10.700 tỉ đồng và doanh thu đạt 19.300 tỉ, tăng lần lượt 20,9% và 33,5% so với cùng kỳ.
 

Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 10.700 tỉ đồng 9 tháng đầu năm.
Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 10.700 tỉ đồng 9 tháng đầu năm.


Với thành tích này, Techcombank đã đạt 82,4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và duy trì được chuỗi tăng trưởng doanh thu ấn tượng 20 quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sau thuế, Techcombank đạt lợi nhuận 8.600 tỉ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình với tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng gần nhất đạt 3%. Vị thế vốn vững chắc của Ngân hàng thể hiện qua chỉ số CAR theo Basel II đạt mức 16,7%.

Kết thúc quý 3-2020, doanh thu của Techcombank đạt 19.300 tỉ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần đạt 13.300 tỉ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 3.100 tỉ đồng, tăng trưởng 65,1% so với 9 tháng đầu năm 2019 và chiếm 16,2% tổng doanh thu do có sự đóng góp mạnh mẽ của hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Chi phí hoạt động của Techcombank 9 tháng đầu năm 2020 là 6.300 tỉ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, tỉ lệ chi phí trên thu nhập được cải thiện ở mức 32,8%, so với mức 34,5% cùng kỳ.

Trong quý 3-2020, Techcombank đã chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Do vậy chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2020 tăng lên mức 2.200 tỉ đồng so với mức 605 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Nhưng điều này thể hiện sự thận trọng của Ngân hàng trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.

Xét về tổng tài sản, Techcombank đạt 401.500 tỉ đồng vào thời điểm cuối quý 3 tăng 9,2% so với thời điểm kết thúc quý 3 năm 2019 và tăng 4,6% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30-9 là 279.400 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và 8,3% so với cuối năm 2019.

Tiền gửi khách hàng tại 30-09 là 252,6 nghìn tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 97.500 tỉ đồng, tăng 22,2% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 155.100 tỉ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm ngoái, phản ánh sự tập trung của Ngân hàng vào tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn. Nhờ đó, tỉ lệ CASA cuối quý 3-2020 đạt 38,6%, cao hơn mức 34,5% cuối năm 2019.

Techcombank cũng duy trì thanh khoản dồi dào với tỉ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 71,9% và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn đạt 31,1%, tốt hơn đáng kể so với mức 38,4% vào thời điểm cuối năm 2019.

Ngân hàng cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỉ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ theo Basel II đạt 16,7%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của trụ cột I Basel II (8%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm cuối năm 2019.

"Vị thế vốn vững chắc của Techcombank cho phép chúng tôi hỗ trợ khách hàng và vững bước vượt qua thách thức từ môi trường hoạt động năm nay. Khi đánh giá triển vọng cuối năm 2020 và trong tương lai, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng tác động của COVID-19 đã qua đỉnh điểm" Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ.

Theo MINH THÀNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.