Gia Lai: Nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh chững lại vì dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù khả năng thanh khoản của ngành Ngân hàng rất dồi dào nhưng việc hấp thu vốn chậm, nhất là dòng vốn dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy tâm lý đầu tư khá thận trọng khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Sản xuất kinh doanh chững lại vì dịch

Bà Nguyễn Thị Lan Anh-chủ cửa hàng Lan Anh (TP. Pleiku) bày tỏ: “Trong mấy tháng qua, tình hình kinh doanh tại cửa hàng rất chậm vì khách hàng cắt giảm chi tiêu. Một số mặt hàng hỗ trợ cho sức khỏe như yến sào, hồng sâm, thực phẩm chức năng không tăng giá, vẫn phát sinh doanh số nhưng không đột biến”. Từ thực tế kinh doanh tại cửa hàng cho thấy, sau đợt giãn cách xã hội từ tháng 4-2020, hoạt động kinh doanh vừa bắt nhịp tăng trưởng thì nay lại chùng xuống khi dịch trở lại.  

 BIDV Gia Lai là một trong số ngân hàng thương mại tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: S.C
BIDV Gia Lai là một trong những ngân hàng thương mại tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Sơn Ca


So với các lĩnh vực sản xuất khác, các mảng kinh doanh của Tín Phát Bakery (20B Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) tương đối thuận lợi khi vẫn ổn định về doanh số tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng bánh ngọt. Tuy nhiên, về phía đối tác cung cấp nguyên liệu cho biết đang gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào, số lượng nhập ít nhưng giá lại tăng do tình hình dịch bệnh. Do đó, hệ thống Tín Phát Bakery lựa chọn giải pháp không đẩy mạnh quy mô sản xuất mà vẫn giữ ổn định hoạt động hiện tại để trang trải chi phí nhân công, chi phí hoạt động, giữ được thị phần truyền thống.

“Thời điểm khó khăn như hiện nay không thích hợp để vay vốn. Doanh nghiệp phải có đầu ra, đầu vào ổn định thì mới mạnh dạn đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế”-anh Phạm Quốc Toàn-quản lý Tín Phát Bakery nhận định.

Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), hoạt động kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Ông Bùi Thiên Ấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn-cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi kinh doanh 3 mặt hàng nông sản chủ lực là hạt điều nhân, mì lát, đậu nành. Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương vùng biên giới. Hàng nông sản nhập kho rất nhiều nhưng không xuất được kéo theo giá nông sản giảm mạnh khiến doanh nghiệp chúng tôi gặp nhiều rủi ro”.

Cầu tín dụng tăng chậm

 


Hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng dao động ở các mức: vay ngắn hạn bằng VNĐ phổ biến 6-9%/năm; trung, dài hạn 9%-10,5%/năm; ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với khách hàng thuộc một số ngành, lĩnh vực được ưu tiên là 5%/năm. Đối với lãi suất huy động, tiền gửi VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 0,1-0,2%/năm; kỳ hạn 1-6 tháng 4-4,25%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng 4,7-5,1%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng 6-6,7%/năm.
 

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh-nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay thì nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng rất dồi dào, khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ tín dụng chậm, có nguyên do chủ yếu là khả năng hấp thụ vốn của thị trường đang bị hạn chế vì đầu ra của hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút”.

Trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nhờ đó, chi phí giá vốn của sản xuất, kinh doanh cũng giảm xuống. Đơn cử như hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Agribank quyết định giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay. Theo đó, từ ngày 30-6, theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,8%/năm, lãi suất cho vay trung-dài hạn tối thiểu 7,5%/năm.

Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-cho hay: “Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 liên tiếp Agribank thực hiện giảm lãi suất. Trong tình hình hiện nay, doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng đương nhiên bị ảnh hưởng khi khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ khách hàng để cùng vượt qua khó khăn”.

Theo thông tin từ Agribank Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh âm 0,5%/tổng dư nợ và chỉ bắt đầu tăng từ tháng 7 (tăng 21 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2019. Kết quả này cũng cho thấy, do đặc thù sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo thời vụ, cộng với tình hình dịch bệnh, giá nông sản đang xuống thấp nên khả năng hấp thu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất chậm và sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.     

Tương tự Agribank, từ đầu tháng 7, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% so với lãi suất hiện hành. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, BIDV cũng đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, với mức giảm 2,5-3%/ năm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tại địa bàn Gia Lai, đối với dư nợ hiện hữu, cơ cấu lại nợ cho 23 khách hàng với dư nợ 293 tỷ đồng; giảm đến 2% lãi suất cho vay kinh doanh tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, tổng dư nợ giảm lãi suất tại Chi nhánh là 1.892 tỷ đồng. Đồng thời, BIDV Gia Lai thực hiện cho vay mới đối với phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh khả thi, tạo nguồn thu, trả nợ ngân hàng.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.