Đề xuất kiểm toán các dự án PPP không có vốn Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các dự án BOT không có vốn của Nhà nước nhưng khi Kiểm toán vào cuộc cũng chỉ ra nhiều sai phạm. Vì vậy, các dự án PPP mới chỉ được kiểm toán phần vốn Nhà nước sẽ dẫn đến thiếu kiểm soát.


 

Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước,” do Kiểm toán nhà Nước tổ chức, ngày 3/3. (Ảnh: PV/Vietnam)
Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước,” do Kiểm toán nhà Nước tổ chức, ngày 3/3. (Ảnh: PV/Vietnam)




Những năm qua, hình thức đầu tư hợp tác công-tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển.

Tại hội thảo “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước,” do Kiểm toán nhà Nước tổ chức ngày 3/3, bên cạnh việc đánh giá cao những lợi ích mà các dự án PPP đã mang lại, giáo sư, tiến sỹ Đoàn Xuân Tiên-Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng các dự án PPP vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến quản lý, điều hành, khai thác dự án và những vấn đề này đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiều dự án thực hiện chưa nghiêm túc

Vị lãnh đạo Tổng Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng nhiều dự án giao thông dưới hình thức PPP trên các tuyến quốc lộ có tình trạng phí chồng phí, điều này làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa cũng như  sự thiếu minh bạch trong việc thu và quản lý phí... Những vấn đề trên phát sinh từ công tác quản lý bất cập, như việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, thiếu cơ chế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án. Thêm vào đó, tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết song lại thiếu chế tài xử lý cũng như việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án chưa thật sự nghiêm túc.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ở góc độ nhà đầu tư cũng có những lo ngại về tính ổn định của mô hình hợp tác này khi các dự án PPP thường kéo dài nhiều năm. Do đó, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Những rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, vì vậy họ thường đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn dài nhằm bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn…

“Song, những điều này lại gián tiếp làm tăng chi phí của bản thân dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế,” vị lãnh đạo Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.


 

 Để tránh việc “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án PPP cần có thêm vai trò Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Để tránh việc “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án PPP cần có thêm vai trò Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Kiến nghị xử lý gần 14.000 tỷ đồng trong 4 năm

Ông Lê Tùng Lâm, Phó chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước cho biết từ năm 2016-2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông, theo đó đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án lên tới 300 năm, trong đó dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiểm toán 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT và đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27%-29% giá trị được kiểm toán.

“Vấn đề đặt ra là nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên đầu người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và ngân sách Nhà nước sẽ thất thoát lớn,” ông Lâm nhấn mạnh.

Trước thực tế trên, các diễn giả tại hội thảo đồng nhất quan điểm về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác quản lý và thực hiện các dự án PPP là điều hết sức cần thiết, từ đó góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả các dự án PPP đồng thời phát huy tốt nhất giá trị và lợi ích của các dự án PPP theo nguyên tắc Chương trình Nghị sự Liên Hiệp quốc 2030-vì sự phát triển bền vững-vì con người.



 

 Cần thiết phải ban hành Luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cần thiết phải ban hành Luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Ban hành Luật PPP

Để nâng cao hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - Nguyễn Ngọc Phương, cho rằng cần thiết phải ban hành Luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng nhấn mạnh cần phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Theo ông cần tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị giữa các cơ quan, ban ngành liên quan để xây dựng nên một quy hoạch tổng thể về các dự án PPP đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định để kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách hỗ trợ như hiện nay.

“Trên thực tế, các dự án BOT không có vốn của Nhà nước nhưng khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc cũng chỉ ra nhiều sai phạm. Vì vậy, các dự án PPP mới chỉ được kiểm toán phần vốn Nhà nước sẽ dẫn đến thiếu kiểm soát. Hiện nay, các quy định như dự thảo về thanh tra, kiểm toán không đủ cơ sở để mà thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro. Vì chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ không được động vào dự án PPP,” ông Phương nói.

Và, để tránh việc “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án PPP, theo ông Phương, cần có thêm vai trò Kiểm toán Nhà nước để đánh giá, xác nhận, kết luận… nhằm tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư cũng như kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên, ông Phương cũng thẳng thắn cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần khắc phục những hạn chế trong kiểm toán để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhằm tạo được niềm tin, uy tín và lòng tin của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

“Kiểm toán Nhà nước cần phải chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện, vi phạm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, trong đó có những trường hợp kiếm cớ gây cản trở, tìm kiếm lợi ích cá nhân. Đây chính là những lý do làm thất thoát vốn của doanh nghiệp và sự không đồng tình của một số cá nhân, tổ chức khi mở rộng vai trò Kiểm toán Nhà nước trong dự án Luật”-ông Phương nhấn mạnh.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.