Dịch COVID-19: IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm trong 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu diễn ra ở Dubai, bà Georgieva cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm ở mức 0,1-0,2% do tác động của dịch COVID-19 (nCoV).
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. (Nguồn: moroccoworldnews)
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. (Nguồn: moroccoworldnews)
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 có nguy cơ suy giảm do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), song sau đó có thể sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ.
Đây là nhận định của bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đưa ra ngày 16/2.
Phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bà Georgieva cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm ở mức 0,1-0,2% do tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, bà cho rằng tác động toàn diện của dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh này và còn "quá sớm" để đánh giá điều này do hiện mới chỉ thấy được tác động đối với các lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải.
Cũng theo Tổng giám đốc IMF trên, nếu dịch COVID-19 được nhanh chóng khống chế, kinh tế toàn cầu có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm và sau đó là sự phục hồi nhanh chóng.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi tháng Một vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 3,3%, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó.
So sánh với tác động của dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2003, bà Georgieva cho rằng nền kinh tế Trung Quốc khi đó chỉ chiếm 8% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi con số này ngày nay là 19%.
Bà cho biết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, đã giúp giảm tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà, thế giới cần quan ngại về sự "tăng trưởng chậm chạp" ảnh hưởng do những yếu tố bất ổn như tăng trưởng sản lượng thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp.
Theo Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm