Lạ lùng chuyện ngân hàng "quyết" mua lại hàng nghìn tỉ đồng nợ xấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng số nợ xấu mua vào và đã xử lý tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) từ khi thành lập đến hết năm 2018.
Việc nhiều ngân hàng thương mại lớn cùng lúc quyết định mua lại hàng nghìn tỉ đồng nợ xấu đã bán trước đó cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào những ngày cuối năm 2019 gây nhiều chú ý. 
Mua đi, bán lại
Trong suốt nhiều năm qua, việc bán nợ xấu cho VAMC là giải pháp mà nhiều nhà băng buộc phải tính đến nhằm nhanh chóng đưa được khối nợ xấu, thường là đang chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng dư nợ cho vay, ra khỏi bảng cân đối tài sản. Với giải pháp này, các ngân hàng nhận được lượng trái phiếu tương ứng của VAMC có thời hạn 5 năm và mỗi năm, các ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC. Đổi lại, các ngân hàng kéo giảm được tỉ lệ nợ xấu về đúng tỉ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời không còn phải trích lập dự phòng ngay từ 20-100% cho các nhóm nợ xấu như trước khi được bán cho VAMC.
Trong báo cáo số 224 gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, lũy kế từ năm 2013 đến ngày 31.8.2019, VAMC mua được lượng nợ xấu lên tới 348.500 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỉ đồng. Với việc mua nợ theo giá thị trường, đến cùng thời điểm trên, VAMC mua được 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỉ đồng và giá mua nợ đạt 6.821 tỉ đồng. "Hoạt động mua nợ của VAMC góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, góp phần duy trì tỉ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay" - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định. Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2015 - 2018 giảm mạnh từ mức 2,55% trong năm 2015 xuống còn 2,46% vào cuối năm 2016, 2,34% vào cuối năm 2017 và tiếp tục giảm mạnh xuống còn 1,99% trong năm 2018.
Việc hàng chục ngân hàng quyết định mua lại nợ xấu bán cho VAMC vì vậy có thể khiến tỉ lệ nợ xấu nội bảng thực tế tại các ngân hàng cũng như của hệ thống tăng trở lại, làm gia tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận hàng năm. Dẫu vậy, theo thông báo chính thức từ các ngân hàng, đến nay, đã có 11 ngân hàng hoàn tất việc mua lại và chính thức xóa sạch nợ xấu tại VAMC là Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB, Kienlongbank, VPBank, Agribank và SeABank. Trong số này, Agribank và SeABank là 2 ngân hàng mới nhất vừa hoàn tất việc mua lại nợ xấu vào những ngày cuối cùng của tháng 12.2019.
Đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu
Công bố hoàn tất việc mua lại nợ xấu trước hạn tại VAMC vào ngày 30.12 mới đây, lãnh đạo SeABank thừa nhận, việc mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt từ VAMC, trong năm 2019 là 3.539 tỉ đồng, có thể làm một phần tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng bị tăng lên. Đổi lại, "sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt, SeABank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1.1.2020, qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng trong thời gian tới" - lãnh đạo ngân hàng SeABank khẳng định, đồng thời cho biết, việc mua lại cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của SeABank. Tương tự, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Agribank chia sẻ: “Việc hoàn thành mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC sẽ giúp ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo”.
Sự tự tin của các ngân hàng khi đồng loạt mua lại nợ xấu, đặc biệt trong những ngày cuối năm 2019, gây nhiều chú ý với thị trường nhưng không phải là động thái quá bất ngờ và có thể được dự báo từ trước. Theo phân tích của ThS Trương Thị Đức Giang - Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh: “Nợ xấu bán cho VAMC thực chất chỉ xử lý về mặt kỹ thuật hạch toán và giãn thời gian trích dự phòng chứ chưa giải quyết được bản chất nợ xấu. Sau khi mua nợ, hầu hết quá trình tiếp theo như thu hồi nợ, xử lý tài sản vẫn được VAMC ủy quyền... cho ngân hàng thực hiện”.
Thực tế theo số liệu từ NHNN, dù mua được lượng nợ xấu lên tới 348.500 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng, lũy kế từ năm 2013 tới thời điểm ngày 31.8.2019, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 138.347 tỉ đồng, tức chưa đầy 40% số nợ được mua về. Với tốc độ xử lý nợ khi bán cho VAMC chưa được như kỳ vọng nên với mua lại nợ xấu, các ngân hàng có thể hoàn toàn chủ động trong việc xử lý và xử lý sớm nợ xấu khi điều kiện về nguồn lực tài chính, tình hình kinh doanh ngày càng khả quan cũng như tỉ lệ nợ xấu thời điểm cuối năm 2019 đang thấp hơn tỉ lệ quy định của NHNN. 
Theo lí giải của lãnh đạo Agribank, nền tảng để ngân hàng quyết định mua lại toàn bộ nợ xấu là do tỉ lệ nợ xấu nội bảng tại ngân hàng giảm dần và luôn thấp hơn mức khống chế của NHNN. Chưa kể đến nay, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu của Agribank cũng đạt gần 110.000 tỉ đồng. "Xử lý nợ xấu hiệu quả, cùng với kiểm soát chất lượng tín dụng góp phần tích cực nâng cao năng lực tài chính của Agribank và trong 3 năm liên tiếp 2016 - 2018, ngân hàng đều có tên trong danh sách 20 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước theo công bố của Tổng cục Thuế" - lãnh đạo Agribank chia sẻ.
Mua lại nợ xấu giúp củng cố niềm tin thị trường

Trong số 11 ngân hàng hoàn tất việc mua lại nợ xấu trước hạn được bán trước đó cho VAMC, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên hoàn thành việc mua lại 4.300 tỉ đồng nợ xấu vào thời điểm đầu năm 2017. Trái với những tác động tiêu cực lên tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh khi mua lại số nợ này như nhiều lo ngại, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành lí giải, khi mua lại, nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro khi thu về thậm chí sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, hiện thực hóa chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.200 tỉ đồng trong năm 2017. Thực tế kết thúc năm 2017, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế tới 11.341 tỉ đồng và là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về kết quả lợi nhuận. Quan trọng hơn, "với việc xóa sạch nợ với VAMC trước thời hạn 3 năm, Vietcombank sẽ không còn nợ ngoại bảng. Điều này tạo hiệu ứng tích cực cho niềm tin của thị trường. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi những thông tin về con số nợ xấu khủng và hàng loạt ngân hàng hoạt động yếu kém bị mua lại với giá 0 đồng khiến nhiều người dân hoài nghi về rủi ro của đầu tư tiền gửi ngân hàng" - Chủ tịch HĐQT Vietcombank đánh giá khi ngân hàng hoàn tất việc mua lại nợ xấu trước hạn đầu năm 2017. C.H

Ngân hàng muốn chủ động xử lý nợ xấu

Đặt mục tiêu xóa sạch nợ tại VAMC vào cuối năm 2019 nhưng TPBank sớm hoàn thành việc này từ tháng 9.2019. Trước đó, dư nợ gốc mà TPBank bán cho VAMC lũy kế khoảng 1.150 tỉ đồng và hàng năm, ngân hàng đều thực hiện việc mua lại trái phiếu VAMC trước hạn theo khả năng tài chính của mình. Riêng trong năm 2019, TPBank trích đủ dự phòng và mua lại toàn bộ 756,5 tỉ đồng danh mục trái phiếu còn lại. "Việc mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC đòi hỏi TPBank phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung trong năm nay hơn 400 tỉ đồng, nhưng sẽ giúp TPBank giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong các năm tới, xóa hoàn toàn số dư nợ xấu đã bán cho VAMC, đưa số liệu nợ xấu của ngân hàng về đúng thực chất. Động thái này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của ngân hàng, dù trích thêm dự phòng nhưng vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra" - lãnh đạo TPBank chia sẻ. C.H 

Cẩm Hà (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/la-lung-chuyen-ngan-hang-quyet-mua-lai-hang-nghin-ti-dong-no-xau-776095.ldo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.