Sau 2 phút, vì sao khách hàng VPBank cay đắng bị lừa hơn 460 triệu đồng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trang web giả mạo ngân hàng VPBank. Ảnh M.K
Chỉ trong vòng 2 phút, chị N.T.M.K (Hà Nội), một khách hàng của VPBank bị hacker lừa hơn 460 triệu đồng. Đại diện VPBank nói gì?
Siêu lừa đảo công nghệ cao
Chiều 4.12, chị N.T.M.K nhận tin nhắn thông báo trúng 1 sổ tiết kiệm từ “SAN SO LOC VANG” và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải, kèm theo số điện thoại 02439959368.
Khi chị M.K. đăng nhập vào website trên thì hiện tên miền https://online.vpbank.com.vn/cb/pages/jsp-ns/login-cons.jsrp), giao diện màu sắc logo, phông chữ, nền… giống hệt website thật của ngân hàng VPBank.
"Tôi yên tâm khi khẳng định đó là website của VPBank nên gõ tên đăng nhập và mật khẩu vào hệ thống”, chị M.K nói.
Sau đó, chị nhận được điện thoại hỏi đích danh tên chị (cả tên cũ và tên mới chuyển đổi), người ở đầu dây bên kia đọc luôn 4 số đầu và 4 số cuối của cái thẻ tín dụng mà chị đang sử dụng.
Do nghi ngờ, chị M.K gọi điện kiểm tra với nhân viên ngân hàng Vpbank. Trong lúc điện thoại, di động của chị M.K nhận tin nhắn với nội dung chị đã vay ngân hàng 360 triệu đồng.
Khoảng 5 giây sau, chị M.K tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng. Tiếp 2 giây nữa, chị nhận được tin nhắn báo tài khoản bị trừ 3.507.700 đồng, rồi 500.000 đồng, 500.000 đồng… liên tiếp cứ 2-5 giây lại có giao dịch trừ 500.000 đồng.
Tổng cộng chị M.K nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ 11,5 triệu đồng trong tài khoản.
VPBank nói gì?
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại diện VPBank cho biết tin nhắn và đường link khách hàng nhận được đều là giả mạo VPBank.
Trong trường hợp người dùng đã thực hiện đủ cả 3 bước trên thì kẻ gian đã lấy được: (1) user và pass tài khoản ngân hàng điện tử, (2) user và pass email cá nhân, (3) mã OTP, trong trường hợp này là mã để xác nhận việc đổi từ phương thức nhận OTP bằng SMS sang nhận bằng email.
Ảnh chụp màn hình web giả mạo. Ảnh VPB
Qua tra soát, hệ thống ghi nhận các giao dịch sau:
Lúc 16:23’: Tài khoản đăng nhập VPBank Online và yêu cầu đổi phương thức nhận OTP từ SMS qua email
Lúc 16:24’: hệ thống gửi mã OTP vào số điện thoại 0988xxxxxx xác nhận việc đổi phương thức nhận OTP từ SMS sang email.
Lúc 16:24’:23s: tài khoản thực hiện đổi thành công sang phương thức nhận OTP bằng email. Địa chỉ email đăng ký nhận OTP là địa chỉ chị N.T.M.K đăng ký từ năm 2016.
Từ 16h:26-16h:49p: phát sinh 1 giao dịch chuyển tiền và 15 giao dịch mua mã thẻ, đồng thời khởi tạo 2 khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm với giá trị lần lượt là 360 triệu và 90 triệu đồng.
Đây là hai khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm, khoản vay sẽ được phê duyệt ngay sau khi người dùng tạo yêu cầu, với hạn mức tối đa bằng 90% giá trị sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, việc giải ngân khoản vay chỉ được thực hiện khi người khởi tạo khoản vay mang sổ tiết kiệm là tài sản cầm cố tới nhập kho. Ngay sau khi tiếp nhận yêu cầu tra soát của khách hàng N.T.M.K, VPBank đã hủy hai khoản vay nói trên và gửi thông báo SMS tới khách hàng.
Các thông báo đã gửi ra từ hệ thống VPBank trong thời gian từ 16:24p-16:49h gồm:
1 SMS tới số điện thoại 0988xxxxxx lúc 16:24p với nội dung “QK dang thuc hien thay doi phuong thuc OTP tren VPBank Online.KHONG GUI OTP cho bat ky ai, BAO GOM NGAN HANG de tranh rui ro MAT TIEN.MA OTP 679948 .LH 1900545415”.
Các email gửi tới khxxxxx@xxxxx trong khoảng từ 16:26p – 16:49p với các nội dung: 18 email chứa mã OTP nhằm xác thực cho 01 GD chuyển tiền trên TK 17*****759; 15 GD mua mã thẻ trên thẻ TD 114-P-******80 / 524394****4760 và 2 giao dịch khởi tạo khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và với khách hàng để xử lý nhằm làm rõ vụ việc”, đại diện VPBank cho biết.
Lan Hương (LĐO)

Có thể bạn quan tâm