Thất thoát 39.600 tỷ đồng thuế mỗi năm từ hàng triệu quán trà đá vỉa hè?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Với khoảng 3,3 triệu hộ kinh doanh cá thể như bán trà đá vỉa hè, hiện tại mỗi năm ngân sách Nhà nước thất thu thuế khoảng 39.600 tỷ đồng”.
Đó là con số được đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đưa ra tại phiên thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, kế hoạch năm 2020 của Quốc hội mới đây.
Thu tiền triệu mỗi ngày từ hàng, quán vỉa hè
Dạo quanh những con phố trong các quận nội thành Hà Nội, không khó để bắt gặp những hàng quán ven đường đông nghịt khách. Địa điểm để mở “cửa hàng” chỉ cần vài mét vuông dưới gốc cây ven đường, đầu con hẻm hoặc vỉa hè của một cơ quan, văn phòng nào đó,…
Quán trà đá ở gần nhiều văn phòng giúp chị Phương có nguồn thu nhập "khủng"
Chị Phương là chủ hàng trà đá trên đường Đào Duy Anh (Hà Nội). Cừa hàng của chị nằm dưới hàng cây cổ thụ, bên cạnh vườn hoa. Khu vực này có 3 - 4 tòa nhà văn phòng lớn nên quán nước của chị Phương luôn đông nghịt khách từ sáng đến chiều.
Tại đây, trà đá có mức giá 3.000 đồng/cốc, nhưng khi đã ngồi mọi người thường gọi thêm đĩa hạt (10.000 nghìn đồng/đĩa), một vài thứ quả như ổi, xoài, cóc (10.000 – 20.000 đồng/đĩa),… nên mỗi nhóm khách sau khi tính tiền thường ở mức 50.000 – 100.000 đồng.
Đặc biệt, vào những giờ cao điểm như đầu giờ sáng và buổi trưa, quán trà đá tranh thủ bán thêm các món ăn nhanh, như bánh mỳ bate trứng, bánh dày giò, mỳ tôm bò, chè thập cẩm,… với mức 20.000 – 30.000 đồng/suất.
Vì đồ uống và đồ ăn đều không mất nhiều công chế biến, nên dù đông khách nhưng cũng chỉ cần chị Phương và con gái hỗ trợ giờ cao điểm là đủ. 
Hàng trăm lượt khách mỗi ngày, lại không mất tiền thuê địa điểm, không tốn tiền thuê nhân công, tính trung bình chị Phương nhẹ nhàng thu về tiền triệu mỗi ngày.
Cách đó không xa là khu tập thể Kim Liên. Tại khu vực tầng 1 là la liệt các hàng bún chả, bún đậu, cà phê, thậm chí là hàng rửa xe, trông xe,… phục vụ cho dân văn phòng cũng đông khách không kém.
Anh Hải, một nhân viên một khu trông xe góc đường Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày lượng xe gửi ở chỗ anh có thể lên tới 300 xe. Một xe có thể ra vào nhiều lần, cứ mỗi lần tương đương 5.000 đồng, xe nào gửi từ sáng đến chiều thì tính phí 10.000 đồng. Như vậy, trừ các chi phí nộp lại cho công ty thầu địa điểm, bãi gửi xe này mỗi ngày cũng giúp anh Hải thu về tiền triệu.
Bãi gửi xe vỉa hè cũng có thể thu về tiền triệu mỗi ngày
Tương tự, là hàng bánh rán của bà Hà ở đầu con ngõ nhỏ trên đường Khâm Thiên (Hà Nội). Bà Hà chỉ làm bánh vào các buổi chiều với chút đồ nghề đơn giản đó là cái bếp than, chảo, vài cân bột và nhân bánh (được chuẩn bị từ trước).
Bà Hà cho biết, chi phí để kinh doanh mặt hàng này rất ít. Chỉ cần khoảng 100.000 đồng có thể làm được tới cả trăm chiếc bánh ngô, bánh khoai hoặc bánh chuối, các loại. Mỗi chiếc bánh bà bán với giá 5.000 đồng, một ngày bà bán được khoảng 300 - 500 cái bánh các loại, thu về tiền triệu mỗi ngày.  
Điều đáng nói, các cửa hàng trên đều là các cửa hàng tự phát, hầu như không phải đóng các loại thuế, phí gì.
Các hộ kinh doanh cần “một tấm áo pháp lý mới"
Mới đây, tại phiên thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, kế hoạch năm 2020 của Quốc hội, trong số các ý kiến được đưa ra tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã nêu ý kiến khiến nhiều đại biểu và dư luận chú ý.
Theo ông Thân, thực tế hiện nay nước ta tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh nhưng theo thống kê chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài, còn lại đại biểu Thân cho rằng ngân sách Nhà nước đang để lọt nguồn thu lên đến hàng chục nghìn tỷ mỗi năm từ 3,3 triệu hộ kinh doanh cá thể không đóng thuế.
"Tôi hỏi một cô bán hàng nước và thuốc lá thì cô ấy nói là đóng 1,5 triệu đồng/tháng tất cả các khoản. Tôi tính trung bình mỗi hộ đóng 1 triệu nhân với 12 tháng và nhân với 3,3 triệu hộ thì được 39.600 tỷ đồng trong một năm" - đại biểu đoàn Thái Bình phân tích.
Theo ông Thân, thực tế các hộ này có đóng, nhưng đóng "ở chỗ nào đó" chứ không phải cho ngân sách Nhà nước. "Nguồn đó chúng ta không thu được và nếu chúng ta có sơ đồ, định nghĩa tốt phần đó chúng ta sẽ thu được".
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết các nước trên thế giới, đã là kinh doanh thì phải nộp thuế. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo về vấn đề nộp như thế nào, cách thức ra sao, khác với doanh nghiệp thế nào.
Từ những lập luận trên, đại biểu Thân đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đưa các hộ kinh doanh thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ như doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp và vừa. Đây cũng là bước thực hiện kế hoạch phấn đấu đến 2020, có 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Góp ý thêm về việc này, Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết: 700.000 doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, còn 30% GDP đến từ 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, bao gồm 2 triệu hộ có đăng ký.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, đối tượng này lại chưa được định danh rõ về mặt pháp lý.
Vì thế, không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mà chỉ có thể cần "khoác một tấm áo pháp lý mới" cho hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Quỳnh Chi (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.