Ngân hàng Bưu điện Liên Việt: Thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để khuyến khích phương thức giao dịch không dùng tiền mặt, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai đang phối hợp với Bưu điện tỉnh khảo sát nhu cầu thực tế của người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, từ đó có chính sách cụ thể hỗ trợ mở tài khoản, phát hành thẻ ATM ngay tại điểm chi trả. Đồng thời, tiếp tục mở rộng mạng lưới tại địa bàn các huyện để cung cấp dịch vụ, phát hành thẻ ATM.
Hiện nay, hơn 90% giao dịch chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh đang sử dụng tiền mặt, số ít giao dịch còn lại được chi trả qua thẻ ATM của các ngân hàng thương mại. Theo khảo sát của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai-đơn vị đầu mối điều phối dòng tiền lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, tổng số tiền chi trả an sinh xã hội trong tháng 9-2019 là gần 134 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền chi trả qua thẻ ATM chỉ đạt 24 tỷ đồng và chủ yếu ở khu vực đô thị, số còn lại được chi trả trực tiếp bằng tiền mặt. Ông Bùi Văn Vinh (tổ 4, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Từ khi về hưu đến nay, tôi lựa chọn phương thức nhận lương hưu qua thẻ vì đã quen với việc sử dụng thẻ ATM. Đúng ngày 3 hàng tháng là ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi cho dù tôi đang ở bất cứ đâu. Nhận thấy những ưu điểm này, vợ tôi cũng đang dự tính chuyển từ nhận lương hưu tại UBND phường sang nhận qua thẻ”.
 Lễ khai trương Phòng Giao dịch Ia Grai của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: S.C
Lễ khai trương Phòng Giao dịch Ia Grai của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: S.C
Tuy nhiên, trên thực tế, đại đa số người thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội vẫn có tâm lý thích sử dụng tiền mặt, lại có nhu cầu giao lưu, gặp gỡ đồng nghiệp, đồng niên hàng tháng tại điểm chi trả. Một bộ phận không nhỏ người thụ hưởng đã lớn tuổi, không thành thạo việc nhớ mã pin, rút tiền bằng thẻ ATM nên lựa chọn phương thức nhận tiền mặt tại 222 điểm chi trả ở các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở ATM hiện bố trí chủ yếu ở khu vực đô thị, vùng thuận lợi nên chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa-Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai-nhìn nhận: “Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều lợi ích cho người thụ hưởng. Phía ngân hàng cũng đỡ bớt nhân lực kiểm đếm, giảm áp lực chuẩn bị tiền các mệnh giá; đồng thời tăng số lượng giao dịch, thanh khoản qua ngân hàng”. Để khuyến khích đối tượng thụ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội nhận chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai đang phối hợp với Bưu điện tỉnh khảo sát nhu cầu, hỗ trợ mở tài khoản và phát hành thẻ ATM trong tháng 10-2019 với nhiều chính sách ưu đãi như miễn phí phát hành thẻ, miễn giảm phí rút tiền, miễn phí thường niên năm đầu tiên. Đồng thời, Chi nhánh có kế hoạch tăng cường thêm máy ATM, mở rộng mạng lưới hoạt động tại địa bàn các huyện: Kbang, Kông Chro, Phú Thiện, Mang Yang, Đak Đoa. Bên cạnh đó, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang xây dựng phần mềm kết nối với hệ thống Bưu điện, trong năm 2020 sẽ triển khai đề án dịch vụ rút lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng chứng minh nhân dân tại các Bưu cục văn hóa xã.  
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở máy ATM là một trong những yêu cầu tiên quyết. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 186 máy ATM, 952 máy POS (tăng 4 máy ATM và 143 máy POS so với cuối năm 2018). Nhìn chung, tất cả các máy đều hoạt động tốt, đảm bảo an toàn và doanh số thanh toán qua thẻ trong thời gian qua có chiều hướng tăng trưởng khá. Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, thanh toán không dùng tiền mặt là một nội dung được Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, gắn với việc thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ; các kế hoạch của tỉnh liên quan việc triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như: thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Về phía các chi nhánh ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, nhiều tiện ích như thanh toán bằng thẻ qua ATM/POS, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, ví điện tử, đầu tư lắp đặt máy ATM/POS.  “Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tiếp tục đôn đốc, kiểm tra các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện tốt công tác thanh toán điện tử, chỉ đạo rà soát lại hiệu quả hoạt động và việc thu phí tại các máy POS”-ông Nguyễn Văn Cư nhấn mạnh.  
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.