"Cánh tay nối dài" đưa vốn vay ưu đãi đến người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Kbang, Gia Lai đã làm tốt chức năng đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo của địa phương; hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay hiệu quả. Qua đó, những “cánh tay nối dài” này đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Kbang là một trong những huyện nghèo của tỉnh, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 11,85% (hơn 90% trong số này là hộ dân tộc thiểu số). Để giúp các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Kbang và các xã, thị trấn trên địa bàn đã quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Không chỉ chuyển tải nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác mà các tổ này còn thực hiện việc quản lý, giám sát, thu nợ đến hạn, thu tiết kiệm hàng tháng. Bên cạnh đó, các tổ còn chú trọng phổ biến về kiến thức xã hội, vận động tổ viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau để cùng phát triển kinh tế; tuyên truyền, vận động tổ viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm như biết gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ, qua đó vừa giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa bổ sung vào nguồn vốn vay để hỗ trợ tổ viên khác trong phát triển sản xuất...
  Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện Kbang tại xã Lơ Ku.   Ảnh: C.Đ
Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện Kbang tại xã Lơ Ku. Ảnh: C.Đ
Theo bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang, các tổ tiết kiệm và vay vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng CSXH. “Với một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như huyện Kbang, ngân hàng triển khai nhiều chương trình cho vay đến các đối tượng khác nhau mà địa bàn huyện rộng, đường sá đi lại khó khăn, nếu không có các tổ tiết kiệm và vay vốn thì chúng tôi có cố gắng đến đâu cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-bà Hiền nói. Cũng theo bà Hiền, các tổ tiết kiệm và vay vốn là tập hợp các hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH ở một khu dân cư hoặc cùng tham gia một đoàn thể nên họ rất thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể của nhau. Vì vậy, việc bình xét hộ vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Các tổ cũng thường xuyên giám sát, hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Bà Đinh Thị Bơ-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Hà Nừng, xã Sơn Lang-cho rằng: “Qua quá trình hoạt động, nhận thức của các tổ viên trong tổ đã thay đổi rõ rệt về cách làm ăn, biết sử dụng nguồn vốn chính sách đúng mục đích. Khi mới thành lập đi vào hoạt động, tổ chỉ có 10 hộ vay vốn với tổng số tiền 40 triệu đồng (bình quân 4 triệu đồng/hộ) thì đến nay có 99 hộ vay vốn với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng (bình quân hơn 46 triệu đồng/hộ). Qua việc được hướng dẫn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đã có 70 hộ của làng thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, 100% tổ viên của tổ tiết kiệm và vay vốn đã tham gia gửi tiết kiệm với số dư đạt 439 triệu đồng, bình quân 4,4 triệu đồng/hộ. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, đời sống của người dân trong làng đã thực sự đổi thay”.
Để các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, Ban quản lý các tổ luôn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các tổ viên; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong việc sử dụng vốn vay. Ngoài ra, hàng tháng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp các tổ chức hội ủy thác và chính quyền cấp xã rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ để cùng nhau có giải pháp củng cố, kiện toàn hoạt động không hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Tuyển-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-cho biết: Chúng tôi xác định  tổ tiết kiệm và vay vốn là nhân tố quyết định việc truyền tải thông tin cho người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH nên luôn quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn các tổ này và xây dựng quy chế hoạt động; giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Vì vậy, trong 5 năm qua, 18 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã đều hoạt động hiệu quả.
Được biết, đến nay, toàn huyện Kbang có 190 tổ tiết kiệm và vay vốn, phủ kín 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Tổng dư nợ tín dụng thông qua các tổ này hiện nay là 281,8 tỷ đồng cho 7.436 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay (chiếm 99,95% tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện) thông qua 13 chương trình. Trong đó, 6 chương trình tín dụng có dư nợ lớn là cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ phát huy được những “cánh tay nối dài” này mà những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; tỷ lệ nợ xấu của đơn vị chỉ chiếm 0,18%, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06%. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Kbang trong 5 năm qua: mỗi năm giảm hơn 4% số hộ nghèo (tương đương khoảng 630 hộ). 
 CÔNG ĐẠO

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.