Không dùng tiền mặt: Bắt đầu từ hạ tầng kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vận động thanh toán không dùng tiền mặt là một cuộc vận động lớn, phù hợp với xu thế ít dùng tiền mặt của thế giới. Nhưng cuộc vận động này, muốn thành công, không chỉ dựa vào những tiện ích của điện thoại thông minh (smartphone), mà quan trọng hơn, phải dựa vào thiết kế hạ tầng. Như muốn đưa tốc độ xe ô tô lên hơn 100 km/giờ thì bắt buộc phải xây dựng đường cao tốc.
Hạ tầng ở đây gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng ý thức và kỹ năng của người dân sử dụng thanh toán không qua tiền mặt. Những lợi ích thì ai cũng thấy, nhưng thói quen dùng tiền mặt thì quả là không dễ dàng để thay đổi trong ngày một ngày hai. Vì vậy, cuộc vận động này phải thật kiên trì và phải bắt đầu từ hạ tầng, phải coi việc thay đổi thói quen của người dân cũng nằm trong hạ tầng cần thay đổi, cần “thiết kế lại”.
Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh internet)
Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh internet)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong một cuộc hội thảo gần đây đã chỉ ra 5 lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là những lợi ích cho người dân, cho Nhà nước, cho cả việc minh bạch hóa mọi hoạt động có dính dáng tới tiền bạc, trong đó có việc phòng-chống tham nhũng.
Ai cũng biết, tham nhũng hay hối lộ đều phải dùng tiền mặt, kể cả khi những tiện ích của việc không dùng tiền mặt là không cần bàn cãi. Và ai cũng biết, nếu rửa tiền mà qua hệ thống thanh toán của công nghệ không dùng tiền mặt thì làm sao mà… rửa. Mọi chuyện sẽ lộ ra ngay. Vì vậy, ngay ở những quốc gia rất phát triển như Mỹ hay châu Âu, việc rửa tiền vẫn phải làm… thủ công, tránh xa các tiện ích chuyển khoản. Nhưng mục đích của không dùng tiền mặt trong thanh toán còn lớn hơn chuyện chống rửa tiền hay giảm hối lộ tham nhũng. Công cuộc này khi thực hiện được ở mức độ cao (hiện thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ đạt 14% trên tổng phương diện thanh toán) sẽ mang lại cho người dân nhiều tiện ích. Còn với tham nhũng hay rửa tiền thì sẽ gặp khó khăn. Minh bạch thông qua thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy xã hội văn minh hơn, vì minh bạch là yêu cầu của mọi người dân lương thiện, những người lâu nay đã quá mệt mỏi với chuyện hành xử không minh bạch trong mọi hoạt động, chứ không chỉ trong chuyện thanh toán tiền bạc.
Tiền mặt là phát minh vào hàng lớn nhất của nhân loại, sẽ không bao giờ mất. Nó chỉ hạn chế đi thôi, nhường chỗ cho những hình thức thanh toán văn minh hơn. Nhưng trong cuộc sống, bao giờ cũng còn tồn tại việc thanh toán bằng tiền mặt. Ra ngoài chợ, mua mớ rau hay con cá thì biết “quẹt thẻ” vào đâu? 
Có thể nói, ít nhất là 90% các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam hiện nay đều không có hạ tầng kỹ thuật để dùng thanh toán không tiền mặt. Đó là một thực tế. Mấy năm gần đây, nhờ điện thoại thông minh, việc thanh toán qua điện thoại đã phát triển vượt bậc, nhưng đó cũng chỉ mới là trong một bộ phận dân chúng, chưa thể “phủ sóng” ra toàn dân.
Mọi cuộc vận động đều cần tuyên truyền và vai trò của truyền thông trong cuộc vận động thanh toán không qua tiền mặt là rất lớn. Nhưng hiện nay, nhiều báo vẫn gửi nhuận bút cho cộng tác viên qua đường bưu điện, nghĩa là dùng tiền mặt. Nói đi phải nói lại, nếu chỉ gửi qua tài khoản thì nhân viên bưu điện mất việc làm hay sao? Họ tham gia vào những dịch vụ gửi tiền mặt như thế này đã bao nhiêu năm rồi và cũng chưa biết đến bao giờ thì kết thúc dịch vụ ấy.
Cuộc vận động không dùng tiền mặt sẽ tác động đến nhiều phía, nhiều lợi ích và cũng không thiếu những bất lợi. Nhưng khi xã hội tiến lên, người dân có thu nhập cao hơn thì chuyện thanh toán không dùng tiền mặt tự nhiên sẽ trở thành bình thường.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.