Ngành Ngân hàng hạn chế "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mở rộng tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là những giải pháp căn cơ mà ngành Ngân hàng đang triển khai để ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Cuối tháng 12-2018, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, đồng thời là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư tín dụng. Những năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực này, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng trong lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều điểm ưu đãi như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 2 lần so với mức cho vay hiện hành đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng… Cùng với những nỗ lực của toàn hệ thống Ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Cả nước hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng, mạng lưới 1.100 Quỹ Tín dụng nhân dân và hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng (tăng 14,5% so với cuối năm 2017) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
  Ngân hàng Nhà nước khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ảnh: S.C
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ảnh: S.C
Riêng tại Gia Lai, trong 3 năm qua, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn tăng trưởng ổn định, đạt trên 150 ngàn tỷ đồng. Nếu như ở thời điểm triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, dư nợ tín dụng ở lĩnh vực này là 20.397 tỷ đồng, chiếm 40,8% tổng dư nợ trên địa bàn thì đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 41.317 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, với 101.700 khách hàng còn dư nợ. Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đã đạt 4.199 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt gần 2.000 tỷ đồng. Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người dân ở địa bàn nông thôn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm từ 3% đến 4%, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen” trên địa bàn. Tuy nhiên, những năm gần đây, diễn biến thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, giá cả các mặt hàng nông sản liên tục biến động, thậm chí giảm mạnh nên người dân vay vốn ngân hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ mặc dù các chi nhánh ngân hàng thương mại đã áp dụng các cơ chế tín dụng theo quy định để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Điều này kéo theo nạn “tín dụng đen” đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Từ thực tiễn hoạt động ngân hàng tại địa phương, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới để chuyển đổi cây trồng trong nông nghiệp, triển khai chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Liên quan việc triển khai Nghị định số 116 của Chính phủ, kể từ ngày 1-1-2019, tất cả các tổ chức tín dụng đều tham gia cho vay tái canh cà phê theo chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để việc triển khai tái canh cà phê đảm bảo đúng tiến độ, ông Cư đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc chủ động cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay. Ông Cư cũng thống nhất với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay các đối tượng lên 80 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất của người dân; nghiên cứu triển khai cho vay tiêu dùng đối với các đối tượng chính sách…   
Trên tinh thần sẵn sàng vào cuộc cùng với các bộ, ngành, chính quyền địa phương ngăn chặn nạn “tín dụng đen”, tại hội nghị, ông Đào Minh Tú-Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước-cho rằng, những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp ngăn ngừa “tín dụng đen”. Theo đó, Phó Thống đốc yêu cầu toàn ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh chóng đi vào cuộc sống; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cần quan tâm mở rộng mạng lưới hoạt động để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân; khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, dành nguồn vốn để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.