Tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi vay vốn chỉ để làm ăn, để thoát nghèo hay để khá giả hơn, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã tìm đến Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) như tìm một nguồn trợ giúp hữu hiệu và mang tính nhân văn.
Hiệu quả từ các chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hiệu quả từ các chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh minh họa)
Chúng ta đều biết, ở nhiều vùng nông thôn bây giờ, kể cả những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nạn “tín dụng đen” đang hoành hành bất chấp pháp luật. Khi người nghèo buộc phải vay tiền từ “tín dụng đen”, có nghĩa họ phải đi tới tận cùng của sự nghèo khổ và phá sản. Bởi không thể làm kinh tế kiểu gì đủ để trả tiền lãi cho “tín dụng đen”.
Ngân hàng CSXH là “thanh bảo kiếm” của Nhà nước nhằm chống lại nạn “tín dụng đen”, đẩy lùi sự bành trướng vô nhân đạo của loại tín dụng này và giúp bà con nghèo, nhất là đồng bào DTTS có cơ hội cụ thể, rõ ràng để vươn lên trong cuộc sống.
Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam, đến nay, tính trên cả nước có hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại ngân hàng, với tổng dư nợ 43.376 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH); dư nợ bình quân 1 hộ đồng bào DTTS đạt hơn 29 triệu đồng. Đó là một kết quả cụ thể, khi đồng tiền của Ngân hàng CSXH đã đến được với người nghèo thiếu vốn làm ăn. Nhưng nó mới là phần mở đầu, dù rất cốt lõi, cho phần sau cụ thể hơn, chắc chắn hơn, đó là việc vốn tín dụng này phát huy như thế nào trong hoạt động kinh tế của đồng bào DTTS và đưa đến những kết quả đáng khích lệ như thế nào trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới.
Nếu Ngân hàng CSXH không căn cơ, không tìm hiểu cụ thể và không có những dự án khả thi để cho vay vốn thì hiệu quả kinh tế từ đồng vốn vay sẽ rất khó đạt tới mức tích cực. Dĩ nhiên, việc đề ra những dự án cho đồng bào DTTS có hướng phát triển kinh tế, việc tìm đúng những hộ cần vốn và có đường hướng sử dụng vốn tích cực là không hề dễ dàng và chỉ riêng Ngân hàng CSXH thì khó thực hiện được. Đây là việc mà nói theo ngôn ngữ bây giờ là “cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”, phải tìm bằng được những phương cách làm kinh tế hiệu quả cho đồng bào DTTS. Như thế, đồng vốn vay mới phát huy tác dụng và bà con vay vốn sẽ yên tâm vì khả năng hoàn trả vốn là thực tế. Ngân hàng không rơi vào “nợ xấu”, còn người vay vốn thì được hưởng lợi rõ ràng.
Với Gia Lai, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 194 ngàn hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, trong đó có hơn 95 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 20.578 lao động (591 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp hơn 4.856 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 9.248 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng gần 29.446 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Đáng ghi nhận hơn hết, các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, nạn “tín dụng đen” ở nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Những con số đã nói lên nhiều điều, nhưng những vùng cao, vùng sâu, vùng xa thay đổi nhờ tín dụng từ Ngân hàng CSXH, những tấm gương thoát nghèo hay làm giàu nhờ nguồn tín dụng trong sạch này mới là điều thuyết phục hơn cả.
Và còn một điều cần nói rõ nữa là chính những người nghèo một khi chăm chỉ lao động, mạnh mẽ muốn thoát nghèo thì họ sử dụng đồng vốn vay một cách rất có mục đích và thường là giữ chữ tín với ngân hàng khi có điều kiện hoàn vốn. Sự lành mạnh ấy từ những người vay vốn bảo đảm tính bền vững cho sự phát triển của Ngân hàng CSXH. 
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.