Ngân hàng ngoại lại ồ ạt mở rộng mạng lưới tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mở rộng mạng lưới, đặc biệt tập trung tại các thành phố lớn, khu công nghiệp lớn tại Việt Nam đang là chiến lược để cạnh tranh của các ngân hàng ngoại.

 Việc các ngân hàng nước ngoài mở rộng mạng lưới hoạt động tạo nên sự cạnh tranh gay gắt cho các ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: KT)
Việc các ngân hàng nước ngoài mở rộng mạng lưới hoạt động tạo nên sự cạnh tranh gay gắt cho các ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: KT)



Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư hoạt động tại Việt Nam bằng việc mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch. Các ngân hàng này đặt kỳ vọng về lợi nhuận tại thị trường Việt Nam, nhất là mảng ngân hàng bán lẻ.

Cụ thể, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Public Việt Nam. Dự kiến ngân hàng này sẽ mở thêm 3 chi nhánh và 2 phòng giao dịch nữa, nâng mạng lưới hoạt động tăng lên 18 chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam.

Trước đó, Woori Bank Việt Nam cũng mở thêm 5 chi nhánh và 1 phòng giao dịch mới, tại các tỉnh có khu công nghiệp lớn là Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương.

Giữa tháng 5/2018, Shinhan Bank Việt Nam cũng chính thức khai trương 4 chi nhánh và phòng giao dịch mới tại Hà Nội và TP. HCM, nâng tổng số điểm giao dịch lên 30 trên cả nước.

Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, nhiều ngân hàng nước ngoài khác cũng đầu tư thêm vốn cho các chi nhánh ở Việt Nam. Cụ thể, giữa tháng 5 vừa qua, ngân hàng NongHuyp-Chi nhánh Hà Nội và Bank of China (Hong Kong)-chi nhánh TP.HCM được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép thay đổi mức vốn. Theo đó, NongHyup-chi nhánh Hà Nội được tăng vốn lên gấp 2,28 lần, từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD. Bank of China-chi nhánh TP.HCM cũng được tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD…

Vì sao các ngân hàng nước ngoài lại ồ ạt mở rộng mạng lưới hoạt động tại Việt Nam như vậy? Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các ngân hàng ngoại nhận thấy rằng, Việt Nam đang trên đà hội nhập và cũng là thành viên của thị trường ngân hàng quốc tế, cho nên họ kỳ vọng về lợi nhuận và muốn mở rộng mạng lưới cũng như hoạt động tại Việt Nam.

Một lý do nữa mà ông Hiếu chỉ ra, đó là những ngân hàng có mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là những ngân hàng ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và trong khu vực Đông Nam Á, những ngân hàng này đã quen thuộc và “thân thiết” với các hoạt động của nền kinh tế, thị trường ngân hàng Việt Nam. Quan trọng hơn cả là văn hóa làm việc của họ cũng tương đồng với văn hóa kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, các ngân hàng đang hoạt động và có xu hướng mở rộng mạng lưới hoạt động tại Việt Nam cũng là các ngân hàng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp của đất nước họ. Khi những doanh nghiệp đó làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam thì các ngân hàng ngoại cũng “theo chân” để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn tại đây.

Với sự đầu tư mở rộng mạng lưới hoạt động ồ ạt của các ngân hàng nước ngoài, nhiều người hoài nghi liệu đây có phải là tín hiệu tốt của ngành ngân hàng Việt Nam?  TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với việc mở rộng thị trường của các ngân hàng nước ngoài sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Hiện, Việt Nam có 34 ngân hàng cạnh tranh với 60 ngân hàng nước ngoài dưới nhiều hình thức: 100% vốn nước ngoài, dưới hình thức chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài hay dưới hình thức của các ngân hàng liên doanh với các ngân hàng nước ngoài.

Ông Hiếu cho biết: “Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh hết sức gay gắt với các ngân hàng nước ngoài trên tất cả các bình diện, từ huy động vốn đến cho vay và các dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến thanh toán quốc tế. Do đó, việc các ngân hàng nước ngoài mở rộng mạng lưới hoạt động tại Việt Nam đang gây bất lợi và là vấn đề đáng lo ngại đối với các ngân hàng trong nước”.

Để có thể giữ vững thị trường trong nước và đủ sức “sánh vai” với các ngân hàng nước ngoài, ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng trong nước buộc phải cải tiến chất lượng, thay đổi phương thức hoạt động để có đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Bởi thực tế, lĩnh vực công nghệ thông tin, sản phẩm, quản lý, đặc biệt là quản trị rủi ro của các ngân hàng này đã tiến rất xa so với các ngân hàng trong nước.

Chung Thủy (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.