Chuyện gửi vàng lấy lãi nay phải trả phí giữ hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước đây gửi vàng lấy lãi còn nay thì mất phí giữ hộ. Người dân cảm thấy chưa thật vừa lòng với chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước. Về mức phí ngân hàng thực hiện thu giữ hộ, ông Nguyễn Văn Sơn- Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, là do từng ngân hàng thương mại quy định chứ không phải Ngân hàng Nhà nước quy định chung.

Một số chuyên gia cho rằng: Lượng vàng trong dân ước tính 300 đến 500 tấn. Khi nền kinh tế đang thiếu vốn đầu tư thì việc để vàng quay về nằm im trong dân là điều đáng tiếc.

 

Hiện nhiều người có vàng đang trong tâm trạng nghe ngóng, tìm hiểu nên để vàng ở nhà hay gửi ngân hàng giữ, chấp nhận đóng phí hoặc tìm một công ty nào đó để gửi. Nhưng họ lo lắng vì để vàng hay gửi đều rủi ro, có thể bị mất trộm hoặc công ty mất khả năng trả. Gửi ngân hàng thì chưa biết phí giữ hộ của các ngân hàng có ổn định, bây giờ thấp nhưng sau rồi lại cao. Chủ trương chống “vàng hóa” là đúng nhưng cách thực hiện như hiện nay thì xem ra chưa ổn.

Theo Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, trước đây, thực hiện chức năng huy động vàng trên địa bàn có các ngân hàng thương mại: Sài Gòn Thương Tín, Á Châu và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Các ngân hàng huy động vàng nên trả lãi cũng bằng vàng, cả khi quy ra tiền VND. Thực hiện quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể từ 25-11-2012, các ngân hàng thương mại không còn chức năng huy động vàng mà thay vào đó là giữ hộ và khách hàng phải trả phí cho ngân hàng.

Tuy nhiên để các ngân hàng thương mại có thời gian hoán đổi chức năng, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài thời gian hoàn trả vàng cho khách hàng trong 6 tháng trước khi tất toán-nghĩa là các ngân hàng thương mại có chức năng huy động vàng sẽ tiến hành mua hoặc trả lại vàng cho khách hàng. Mục đích của việc làm này theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nhằm ổn định thị trường vàng, quản lý được khối lượng vàng trong dân và quản lý chất lượng vàng, quản lý tốt công tác ngoại hối.

Trước đây, ngân hàng huy động vàng thì có thể sử dụng làm lợi nhưng bây giờ chỉ làm chức năng giữ hộ thì không được sử dụng vàng để kinh doanh và phải bảo đảm cất giữ nghiêm túc, cẩn thận. Ngân hàng bây giờ thực hiện chức năng mua đứt bán đoạn vàng chứ không còn chức năng huy động nữa. Ngân hàng đã mua vàng thì vàng sẽ biến thành VND, thành nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng Việt Nam luôn bị lạm phát ở mức cao, đồng tiền Việt Nam thường bị mất giá, trong khi giá vàng thường ổn định hoặc biến động theo chiều hướng tăng lên. Người dân mua vàng nhằm mục đích đầu tư hay cất trữ đều có lợi hơn. Cho nên trên thực tế chủ trương trên của Ngân hàng Nhà nước còn nhiều vướng mắc. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có chính sách điều hành như thế nào để giữ vững giá trị VND, lạm phát ở mức thấp thì khi đó giải pháp ngân hàng giữ hộ vàng mới phát huy hiệu quả. Tất nhiên ở đây còn có vấn đề quản lý vàng trong nước phải theo kịp với tình hình giá vàng thế giới.

Đối với việc kinh doanh vàng miếng, kể từ ngày 9-1-2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/NĐ-CP về hoạt động quản lý kinh doanh vàng. Các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước sẽ không được phép kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 doanh nghiệp mua bán vàng thì qua kiểm tra, tất cả đều không đảm bảo yêu cầu điều kiện kinh doanh vàng miếng mà chỉ đủ điều kiện kinh doanh vàng trang sức. Vì vậy đến tháng 5-2013, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai sẽ chỉ cho phép các doanh nghiệp này kinh doanh vàng trang sức mà thôi.

Vậy thì người dân có vàng miếng đem bán cho ai? Trả lời câu hỏi này, cũng theo ông Cư, kể từ tháng 1-2012, trên địa bàn tỉnh có 7 cửa hàng được phép kinh doanh vàng miếng thuộc các ngân hàng thương mại khác nhau. Trong đó có 1 điểm ở huyện Chư Sê, 1 điểm ở thị xã An Khê, các điểm còn lại ở TP. Pleiku. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang tiến hành kiểm tra nhằm đưa các cơ sở kinh doanh này để thực hiện theo quy định mới.

Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đang kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Trung ương xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở thêm cửa hàng để phục vụ nhu cầu người dân các vùng đang sở hữu vàng miếng, nhằm tránh bất lợi trong khi giao dịch vì đi lại xa xôi, bất tiện.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.