Nhiều diện tích cây trồng, đặc biệt là mía, lúa, hoa màu... bị ngã đổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 4, từ 0 giờ ngày 25-9 đến 10 giờ ngày 28-9, trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, mưa vừa; lượng mưa đo được từ 28,4 mm đến 148,2 mm. Mực nước lũ trên các sông suối ở dưới báo động I. Mưa bão không gây thiệt hại về người, các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại do cơn bão gây ra.
Thủy điện điều tiết xả lũ về 0
Cụ thể, lượng mưa đo được từ 0 giờ ngày 25-9 đến 10 giờ ngày 28-9 tại huyện Kbang là 102,4 mm; thị xã An Khê 49,4 mm; huyện Kông Chro 110,0 mm; Phú Thiện 137,8 mm; Krông Pa 91,6 mm; Mang Yang 82,8 mm; Đak Đoa 24,8 mm; TP. Pleiku 148,2 mm; huyện la Grai 87,8 mm; Chư Prông 85,6 mm; Chư Sê 60,0 mm; Đức Cơ 28,4 mm. Cùng với đó, từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 28-9, các huyện Phía Đông và Đông Nam của tỉnh có gió cấp 6-8, giật cấp 8; các huyện phía Tây và trung tâm của tỉnh có gió cấp 6-7, giật cấp 8.
Mực nước tại Trạm Thủy văn An Khê trên lưu vực sông Ba lúc 7 giờ ngày 28-9 là 402,38 m dưới mức báo động I là 2,12 m; tại trạm thủy văn Ayun Pa trên lưu vực sông Ba là 151,34 m dưới mức báo động I là 1,66 m; tại trạm thủy văn Pơ Mê Rê trên sông Ayun là 672,21 m dưới mức báo động I là 3,79 m.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 162 hồ chứa (118 hồ chứa thủy lợi, 44 hồ chứa thủy điện), dung tích các hồ chức đạt 51-100%, hiện có 19 hồ chứa xả lũ với lưu lượng 160-350m3/s, trong đó, hồ thủy điện An Khê xả lũ với lưu lượng 250 m3/s; hồ thủy lợi Ayun Hạ bắt đầu xả lũ với lưu lượng 250 m3/s đến 350 m3/s (từ 7 giờ ngày 28-9). Các hồ đang điều tiết và xả lũ về 0.
Hồ thủy lợi Biển Hồ B, Hà Ra Bắc, Hà Ra Nam, Tân sơn trữ nước đạt 100% dung tích và đang xả lũ qua tràn từ 0,04 m đến 0,2 m; các hồ chứa còn lại dung tích đạt từ 53,51%-90,55% dung tích thiết kế.
Tập trung ứng phó ở các vị trí xung yếu
Nhiều diện tích mía ở huyện Kbang bị đổ rạp. Ảnh: Ngọc MInh
Nhiều diện tích mía ở huyện Kbang bị đổ rạp. Ảnh: Ngọc Minh
Để kịp thời ứng phó khẩn cấp với bão số 4, Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy đi kiểm tra, chỉ đạo các địa bàn trọng yếu. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã xuống bám sát địa bàn được phân công cùng với chính quyền cơ sở triển khai ứng phó khắc phục hậu quả. Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp đã tổ chức ban 24/24 giờ và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và với bão lũ với phương câm 4 tại chỗ.
Trong chiều ngày 27-9, tỉnh đã tổ chức 2 Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại 8 huyện, thị xã trọng điểm về bão lũ ở phía Đông và Đông Nam của tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh được nghỉ học (trước mắt từ chiều ngày 27-9 đến hết ngày 28-9) để đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên kiểm tra tình hình mưa bão trên đường liên xã Kông Yang-Đak Tpang (huyện Kông Chro). Ảnh: Nguyễn Diệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa phải) kiểm tra tình hình mưa bão trên đường liên xã Kông Yang-Đak Tpang (huyện Kông Chro). Ảnh: Nguyễn Diệp
Cùng với đó, toàn tỉnh đã rà soát lại nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai và lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó với tình huống rủi ro thiên tai (lực lượng 3.882 người, ca nô và xuồng 155 chiếc, ô tô 1032 chiếc, áo phao 3.882 chiếc). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết (đơn vị quân đội tại huyện la Pa đã lập Sở Chỉ huy tiền phương).
Đáng chú ý, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã hoàn thành di dời của 382 hộ dân tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn (huyện Kông Chro 40 hộ; Kbang 108 hộ; la Pa 82 hộ; Mang Yang 152 hộ).
Người dân làng Tbưng (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) được di dời về ở nhà rông của làng an toàn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân làng Tbưng (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) được di dời về ở nhà rông của làng an toàn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng di dời kịp thời 8.470 người dân tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh (huyện Phú Thiện 500 người, huyện Ia Pa 7.970 người) nếu nguy cơ bị lũ cô lập, uy hiếp. 
Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; tổ chức thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản gần đến thời kỳ thu hoạch ở khu vực ven sông, suối và vùng nguy cơ ngập lũ. Tổ chức chặt tỉa cây xanh đường phố để tránh đỗ ngã.
Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Chỉ đạo các chủ hồ, đập tổ chức vận hành hồ chứa an toàn công trình và hạ du đập đúng theo quy định.
Hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 4
Thống kê ban đầu, từ ngày 25-9 đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh mưa bão không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, đã có 07 căn nhà bị tốc mái (trong đó, 3 căn nhà tại huyện Chư Sê; 3 căn nhà tại huyện Mang Yang; 1 căn nhà tại huyện Kbang). Có 1 mái hiên nhà hộ dân tại xã Kông Long Khơng (huyện Kbang bị tốc mái). Mưa lớn cũng làm ngập chân nhà sàn của 16 nhà dân ở thôn Plei A, B (xã la Sol, huyện Phú Thiện). 
Bên cạnh đó, mưa bão cũng làm nhiều diện tích cây trồng, đặc biệt là mía, lúa, hoa màu... bị ngã đổ, các địa phương đang thống kê cụ thể (trong đó huyện Đak Đoa có 1 ha lúa rẫy bị ngã đổ). Nước lũ về cũng đã làm xuất hiện một khu vực xói lở, xâm lấn khu dân cư tại thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng, huyện Ia Pa), chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng theo dõi sát tình hình.
Ngoài ra, mưa bão cũng đã làm khoảng 13 cây xanh bị ngã đổ (10 cây tại TP. Pleiku; 3 cây tại huyện Đak Đoa). Sập 1 cổng sắt tại số nhà 32 Lê Thánh Tôn (phường Ia Kring); 1 nhà lồng diện tích 700 m2 ở thôn 1 xã An Phú (TP .Pleiku) bị đổ sập. 1 Cổng chào thôn 1 (xã Lơ Ku, huyện Kbang) bị sập.
Nhà lồng gần 700 m2 bị cuốn sập tại xã An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Bá BÍnh
Nhà lồng khoảng 700 m2 bị cuốn sập tại xã An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Từ 3-4 giờ sáng ngày 28-9 đến thời điểm báo cáo, tại các xã Krong, Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng và làng Bróch (xã Đông), làng Krối (xã Đak Smar, huyện Kbang) bị mất điện. Điện lực huyện Kbang đang kiểm tra, khắc phục sự cố về điện. 5 giờ 30 phút ngày 28-9, trên địa bàn thị trấn Đak Đoa bị mất điện khoảng 30 phút. Điện lực đã khắc phục bằng cách lấy nguồn điện từ huyện Mang Yang lên để cung cấp.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, do hướng đi của bão số 4 có xu hướng dịch chuyển về phía Tây Bắc nên khu vực Gia Lai nằm về rìa phía Nam của cơn bão, vì vậy gió chỉ ở mức độ từ cấp 6 đến cấp 8, trước mắt gây ảnh hưởng không lớn. Hoàn lưu gây mưa chỉ ở mức trung bình và mưa to một số nơi, tại một số thời điểm, một số nơi nước dâng gây xói lở, ngập úng. Đang tiếp tục thống kê các thiết hại.
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) dặm lại mái ngói căn nhà sau khi bão số 4 đi qua. Ảnh: NGọc MInh
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) dặm lại mái ngói căn nhà sau khi bão số 4 đi qua. Ảnh: Ngọc Minh
Hiện tại các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, xử lý, khắc phục tại cơ sở cho đến khi bão tan hoàn toàn.
TRẦN ĐỨC
 

Có thể bạn quan tâm